Ngày 26-9, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), dẫn đầu đoàn công tác của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM.
“Phần chìm tảng băng thế nào?”
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, tinh thần chủ động và quyết tâm chính trị của TP.HCM trong PCTN những năm qua.
Ông Trương Hòa Bình cho rằng nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được TP.HCM điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Chẳng hạn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 3.982 tỉ đồng, vụ Vũ Quốc Hảo tham ô tài sản gây thiệt hại 360 tỉ đồng, vụ Lê Thành Công lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại 966 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN, lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, không có vùng cấm, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa để củng cố lòng tin của nhân dân.
“Thực sự, cán bộ lãnh đạo ít tiếp xúc trực tiếp các thủ tục nhưng gia đình, vợ con đi làm các thủ tục cũng nghe kêu đầy. Phải chi phí ngoài luồng, đến đâu cũng có nhũng nhiễu, vòi vĩnh”. Ông Bình nói thế và cho rằng chống tham nhũng không chỉ là đấu tranh ngăn chặn tham nhũng lớn mà còn phải ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh vì nó gây bức xúc rất lớn cho dân.
Trước con số thống kê tại TP.HCM mỗi năm phát hiện khoảng 10 vụ tham nhũng, ông Bình cho rằng phải chăng những con số thống kê có hai mặt, một mặt là đã làm tốt công tác PCTN nhưng mặt khác cần xem lại việc phát hiện, điều tra, xử lý đã làm rõ được hết tham nhũng hay chưa. “Phải chăng chỉ mới là phần nổi, còn phần chìm của tảng băng thì thế nào?” - ông Bình đặt vấn đề và đề nghị TP cần rà soát kỹ tham nhũng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP khắc phục tình trạng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện sai phạm nhiều nhưng kiến nghị xử lý hình sự ít. Ông yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Công khai cán bộ tham nhũng. Đồng thời, ông yêu cầu tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (giữa)trao đổi với các đại biểu sáng 26-9. Ảnh: THANH XUÂN
Lập đường dây nóng để dân tố tham nhũng
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu TP thực hiện cơ chế giám sát của công chúng và dư luận xã hội, có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản ánh, tố giác tham nhũng với các cơ quan nhà nước như tổ chức tốt công tác tiếp dân, mở hộp thư điện tử, lập đường dây nóng... Song song đó phải bố trí những cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, có năng lực chuyên môn, có dũng khí, bản lĩnh, dám đương đầu để làm công tác chống tham nhũng.
“Với ý chí quyết tâm của TP.HCM, chúng tôi tin tưởng rằng công tác PCTN trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn nữa. Tham nhũng, lãng phí nhất định phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Xây dựng Đảng bộ TP ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân” - ông Bình nói.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết TP.HCM luôn coi trọng và xác định PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, nhân dân. TP chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, sớm khắc phục hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến trong công tác PCTN.
Ông Đinh La Thăng cho biết TP xác định công tác PCTN, lãng phí là công tác trọng tâm, thường xuyên, lâu dài và là một tiêu chí đánh giá cán bộ hằng năm.
TP.HCM: Xây dựng đội ngũ cán bộ tử tế với dân Chiều 26-9, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác cải cách hành chính (CCHC). Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết chương trình CCHC là một chương trình rất quan trọng trong bảy chương trình đột phá của TP. Và việc xây dựng TP.HCM trở thành “TP thông minh” là một giải pháp cấp bách để hướng tới việc CCHC hiệu quả hơn. Ông Phong cho biết công việc trọng tâm trong CCHC chính là cải cách các thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tử tế với dân. “Mục tiêu của TP là làm sao phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, CCHC là việc làm cụ thể cho mục tiêu đó” - ông Phong nói. Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực về CCHC trong thời gian qua của TP. Nhưng ông cũng nêu ra những tồn tại và hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như việc thi hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; thời gian giải quyết các thủ tục hành chính kéo dài hơn so với quy định (sáu tháng đầu năm 2016, số hồ sơ trả quá hạn của TP là 28.887/6.731.112), việc tinh giản biên chế chưa đạt 1,5%. Nhất là tình trạng chỉ số CCHC năm 2015 của TP bị tụt hạng so với các năm trước. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa tốt về môi trường kinh doanh của TP. Vì thế, ông Bình đề nghị cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục. “TP cần khắc phục những nhược điểm, hạn chế về tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tác nghiệp và thái độ ứng xử của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật” - ông Bình yêu cầu. |