Chống khai thác IUU: Tình trạng tàu ba không, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm mạnh

(PLO)- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau khi Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hiệu lực, số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-12, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Vẫn còn tàu vi phạm

Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết, tính đến hết tháng 11, Chi cục Kiểm ngư Vùng I, V đã thực hiện 21 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và 6 chuyến tuần tra của xuồng kiểm ngư; tiến hành kiểm tra 948 tàu cá, trong đó 931 tàu cá Việt Nam và 17 tàu cá nước ngoài.

Từ các đợt kiểm tra, kiểm soát, lực lượng kiểm ngư đã phát hiện nhiều lượt tàu vi phạm, trong đó có 20 tàu cá nước ngoài. Số tiền đã xử phạt 6,7 tỉ đồng, chưa bao gồm số liệu của 5 chuyến tuần tra tháng 12-2024 đang thực hiện nhiệm vụ trên biển.

tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc của Cục Kiểm ngư.

“Lực lượng kiểm ngư thuộc Cục Kiểm ngư cũng kiểm tra 12 lượt tàu cá vận chuyển thuỷ sản nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO; thẩm định 9 bộ hồ sơ của doanh nghiệp nhập khẩu cá cờ kiếm vào Việt Nam theo đường container” - ông Cường nói.

Cùng đó, phối hợp với Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng địa phương, hải quân vùng, kiểm ngư địa phương tổ chức các đợt tuần tra, hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp, chống khai thác IUU, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài tại vùng biển Tây Nam bộ và Vịnh Bắc bộ.

Ngoài hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Cục Kiểm ngư cũng hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, đề án, chương trình và văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của Cục, góp phần quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm, chống khai thác IUU.

Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản cũng đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý, chính sách cho việc phát triển bền vững ngành thủy sản qua hoàn thành trình ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với kiểm ngư địa phương chưa đảm bảo hiệu quả dù tổ chức kiểm ngư địa phương đã được lập tại 28 tỉnh/thành phố ven biển nhưng mô hình tổ chức chưa thống nhất.

Nhiệm vụ thường trực chống khai thác IUU mặc dù rất quyết tâm, nỗ lực, nhưng đến nay Việt Nam chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng của EC. Nguyên nhân do còn một số nhiệm vụ, mục tiêu chưa hoàn thành so với yêu cầu của EC, cần thời gian và nguồn lực để triển khai thực hiện…

Số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm mạnh

Sau khi nghe các báo cáo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến biểu dương và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong năm 2024 của lực lượng Kiểm ngư. Nổi bật nhất là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, qua hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Kiểm ngư, qua số lần phạt, số tiền phạt cho thấy việc chấp hành các quy định pháp luật nghiêm hơn.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay, sau khi Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hiệu lực từ tháng 8-2024, số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh.

Với một số vụ việc vi phạm đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử. Thứ trưởng tin tưởng, sau khi xét xử xong các vụ việc này thì đường dây móc nối đi đánh trộm vùng sẽ hạn chế ở mức tối thiểu.

tàu vi phạm vùng biển nước ngoài..jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau khi Nghị quyết 04 có hiệu lực, số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh.

Về tình trạng gửi thiết bị định vị giám sát hành trình của tàu này sang tàu khác… cũng được xử lý quyết liệt. Tình trạng tàu ba không (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) cũng giảm mạnh trong thời gian ngắn.

Việc quản lý số tàu nguy cơ cao, EC yêu cầu ta phải giám sát chặt chẽ, hiện các tỉnh đi kiểm tra đều cam kết chụp ảnh, ghi hình, kiểm tra để khẳng định tàu không ra khơi.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cuối tháng 11, Bộ NN&PTNT đã họp trực tuyến với EC và phía bạn đưa ra 26 vấn đề. Sau khi rà soát ở các địa phương, Bộ đã giải trình 26 vấn đề này. Trong đó, nhiều vấn đề phía bạn đã thống nhất với ta. Dự kiến đầu năm 2025 EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra thực địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm