Nhóm ngân hàng "Big 4" gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV vừa đồng loạt áp dụng chung một mức lãi suất huy động, bỏ xa mức trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.
Theo đó, sau Agribank, Vietcombank, đến lượt Vietinbank và BIDV cũng đã điều chỉnh hạ lãi suất huy động tại các kỳ hạn và hiện mức lãi suất cao nhất của 4 nhà băng này chỉ là 6,3%/năm.
Cụ thể, khách hàng lựa chọn tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng tại 4 ngân hàng quốc doanh này chỉ nhận được mức lãi suất là 3,4%/năm, từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 4,1%/năm. Như vậy, các mức lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng tại các ngân hàng này đang bỏ xa trần huy động được phép là 4,75%/năm.
Tương tự, với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được nhóm ngân hàng big 4 điều chỉnh giảm mạnh từ 0,5 – 0,7%/năm với biểu lãi suất trước đó. Hiện người dân gửi tiết kiệm, kỳ hạn 6 đến 11 tháng được nhóm ngân hàng big 4 chỉ có 5%/năm và từ 12 tháng trở lên cũng áp dụng chung mức lãi suất là 6,3%/năm.
Trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, Eximbank đang neo mức lãi suất chênh lệch không đáng kể so với nhóm 4 ngân hàng quốc doanh. Bởi lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại đây là 6,3%/năm, 12 tháng là 7,1%/năm, từ 15-36 tháng là 7,5%/năm, nhưng với kỳ hạn gửi 60 tháng chỉ có 6,7%/năm mà thôi.
Tương tự, Sacombank niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 6,4%/năm, 12 tháng là 7%/năm, và 36 tháng cũng chỉ có 7,25%/năm.
Trong khi đó, tại ngân hàng An Bình, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 11-13 tháng, với hình thức gửi tiền trực tuyến sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 8,3%/năm, còn nếu gửi kỳ hạn từ 14 tháng trở lên sẽ được nhận mức lãi từ 8,4 - 8,5%/năm.
Trao đổi về việc thực trạng trên thị trường hiện vẫn còn nhiều ngân hàng trong thời gian qua huy động với lãi suất cao nên đến bây giờ khó giảm lãi vay ngay được, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Chủ trương của NHNN là yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tiết giảm tối đa chi phí để có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhưng thực tế là có những ngân hàng trong thời gian vừa qua đã huy động lãi suất lên đến 9-10%/năm. Với mức lãi suất huy động cao như vậy, cộng với biên độ từ 3-4%/năm thì đương nhiên lãi suất cho vay sẽ cao, từ 13-14%/năm. Đến giờ vẫn đang phải trả lãi suất cao như vậy thì chưa thể hạ lãi suất cho vay ngay lập tức được mà cần phải có độ trễ nhất định.
Bên cạnh đó, liên quan đến phản ánh cho rằng vẫn còn doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh: Sắp tới NHNN sẽ có đoàn công tác đi nắm tình hình lại về thủ tục điều kiện của một số ngân hàng thương mại, xem ngoài quy định chuẩn do NHNN yêu cầu, các ngân hàng thương mại có tự ý tự đưa ra quy định gì khác nữa không.
"Nếu những quy định nội bộ đó là cần thiết cho đảm bảo an toàn tín dụng thì chúng tôi chấp thuận. Ví dụ, một doanh nghiệp vay vốn thì phải chứng minh mục đích sử dụng vốn, rồi năng lực tài chính ra sao, có khả năng trả nợ được không. Bởi tiền cho vay đâu phải tiền của ngân hàng mà là tiền gửi của người dân thì phải được bảo toàn.
Ngược lại, những quy định nội bộ mà ngân hàng thương mại đặt ra thương hướng quá cồng kềnh, hoặc quá phi lý và gây khó khăn cho doanh nghiệp thì dứt khoát chúng tôi sẽ yêu cầu phải cắt bỏ ngay", ông Tú nhấn mạnh.