Tôn vinh nét đẹp, phê phán cái xấu
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nhấn mạnh: Sức sống của tinh thần Fair Play do báo Pháp Luật TP.HCM sáng lập là một hình ảnh đẹp của báo chí Việt Nam đối với bóng đá. Yếu tố đạo đức giúp giới cầu thủ nhận thức rõ mình đang hướng đến cái đẹp. Nói rộng hơn là hình ảnh đẹp trên sân cỏ như một tấm gương phản chiếu cho mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là thanh niên và giới trẻ hơn học tập, soi rọi lại tư cách của con người.
Giải thưởng Fair Play rất đáng quý, có một tầm nhìn rất rộng. Cái hay của Fair Play còn ở chỗ tôn vinh những hình ảnh của quá khứ, của sự cống hiến, như anh Tam Lang thần tượng của nhiều giới, như bầu Đức lặng lẽ ươm mầm U-19,… điều mà người khác hay nói mà không làm.
Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng trao giải cho Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1 Trần Anh Tuấn trong lễ tổng kết giải Fair Play 2013. Ảnh: XUÂN HUY
Fair Play không chỉ tạo ra một âm hưởng tốt hơn cho giới cầu thủ luôn hành động vì cái đẹp mà còn tác động rất mạnh đến tiếng còi của giới trọng tài. Trước đây, những tiếng còi méo có thể được bỏ qua vì một lý do nào đó nhưng với giới truyền thông khi ra đời giải Fair Play sẽ gây một tiếng vang lớn, có tính răn đe hoặc quảng bá mạnh mẽ hơn.
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh kết luận: “Tôi muốn nhấn mạnh tất cả hãy cổ vũ Fair Play và đừng bỏ sót Unfair Play”.
Chút tình ở giải thưởng Fair Play
Tuổi lên ba của giải thưởng Fair Play đã tạo ra nhiều tiếng vang lớn và điều quan trọng nhất là báo Pháp Luật TP.HCM luôn lắng nghe những góp ý, phản biện cho cuộc chơi ngày càng giàu ý nghĩa hơn.
Giám đốc Trung tâm TDTT Trần Anh Tuấn - một trong vài người gầy dựng cái nôi bóng đá nữ quận 1 (TP.HCM) chia sẻ rất thật lòng: “Tôi là người làm thể thao nên rất “ganh tị” với quý báo khi tổ chức một giải thưởng có tầm ảnh hưởng lớn như vậy. Thế nhưng điều tôi mong mỏi là Fair Play không chỉ gói gọn trong mỗi địa hạt bóng đá mà cần phải nhân rộng ra đối với tất cả môn thể thao khác”.
Ông Tuấn còn nảy ra nhiều ý tưởng nâng tầm giải thưởng Fair Play như việc kêu gọi người yêu thể thao, các nhà tài trợ, nhà hảo tâm chung tay tạo ra một nguồn quỹ nhằm giúp đỡ các cầu thủ, cựu VĐV và thậm chí là nhà báo viết về thể thao,… có hoàn cảnh đặc biệt. Nó không chỉ giúp những thành phần liên quan đến thể thao trong cơn hoạn nạn mà còn thể hiện một tấm lòng tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẻ cho nhau với tinh thần lá lành đùm lá rách.
Trần Anh Tuấn cũng chính là tác giả hoặc rất tích cực hỗ trợ cho những trận đấu thiện nguyện trên sân vận động Tao Đàn với hàng trăm triệu đồng quyên góp giúp đỡ các VĐV có hoàn cảnh khó khăn, như VĐV Taekwondo Hoàng Hà Giang, đô vật Lê Thị Huệ, danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang,…
Năm 2013, ông Trần Anh Tuấn là một trong năm nhân vật, tập thể được tôn vinh Fair Play vì những đóng góp lặng thầm và không mệt mỏi bằng cái tâm của một nhà quản lý thể thao. Chúng tôi đã rất xúc động sau khi ông Tuấn nhận giải thưởng đã nhét số tiền trở lại vào tay ban tổ chức nhờ chuyển cho nhà báo Minh Hùng của báo Pháp Luật TP.HCM - người sáng lập ra giải thưởng Fair Play hiện vẫn đang từng ngày chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.
CÔNG TUẤN
Chuyên gia Trần Văn Mui sau khi tham khảo rất kỹ 10 tiêu chí Fair Play của FIFA đã đúc kết: “Lâu nay người ta hay nghĩ rằng Fair Play chỉ diễn ra trên sân cỏ. Theo tôi biết thì quy định Fair Play theo nghĩa rộng hơn của FIFA là diễn ra cả trước, trong và sau trận đấu. Ban tổ chức giải thưởng có thể đưa vào những phụ lục cần thiết để mang tầm vóc rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, ban thẩm định phải có con số mang tính chất định tính hơn định lượng, chẳng hạn như thống kê thẻ vàng, thẻ đỏ,… và dựa vào đấy để bình chọn. Giải thưởng ngày càng quy mô hơn nên chúng ta cần chuẩn hóa và mang tính chất hệ thống”. TT |