Phí đi cao tốc khá cao
Theo ông Tân, tới cuối năm 2015 gói thầu giao thông thông minh (ITS, có hệ thống camera giám sát hình ảnh trên toàn tuyến, kiểm soát lượng xe tại từng vị trí trên tuyến và thu phí không dừng...) sẽ hoàn thành. Khi đó trên toàn tuyến cao tốc sẽ có ba trạm thu phí ở vị trí gần nút giao giữa cao tốc với đường vành đai 2, quốc lộ 51 và nút Dầu Giây. Còn hiện trước mắt vẫn thu phí theo cách thông thường ở trạm thu phí Long Phước, quận 9, TP.HCM cho đoạn 30 km vừa thông.
“Trạm thu phí gần nút giao Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) có tám làn thu phí cho hai chiều đã được xây dựng và bắt đầu thu phí ngay sau khi thông đường. Mức thu phí tại trạm này sẽ tính cho khoảng cách 30 km, từ nút giao Dầu Giây đến nút giao quốc lộ 51. Tùy theo các loại xe mà có mức thu phí khác nhau, trong đó mức thấp nhất là 60.000 đồng/xe (ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới hai tấn và xe buýt) và cao nhất là 240.000 đồng/lượt” - ông Tân nói.
Như vậy, nếu tính cho toàn tuyến cao tốc (55 km) thì tổng mức phí các loại xe phải trả khá cao, dao động từ 100.000 đến 400.000 đồng/lượt (xem cụ thể ở bảng biểu thu phí). Dù vậy ông Nguyễn Thanh Hải, chủ xe khách chạy tuyến Long Khánh, Đồng Nai - chợ An Đông (quận 5, TP.HCM), nhận xét tuyến cao tốc này sẽ hút một lượng xe lớn từ TP.HCM đi miền Trung, miền Bắc hoặc Tây Nguyên vì thời gian đi lại nhanh hơn quốc lộ 1. Ngược lại, tài xế Trần Thanh Hùng (ngã ba Ông Đồn, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) tỏ ra ngần ngừ: “Xe tôi trên 10 tấn, nếu đi hết cao tốc phải trả phí 500.000 đồng cho cả chiều đi TP.HCM và về, khá cao!”.
Việc thu phí ở đoạn còn lại của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được bắt đầu ngay khi thông xe. Ảnh: M.PHONG
Vậy cao tốc hay quốc lộ?
Hiện từ TP.HCM đến ngã ba Dầu Giây theo quốc lộ 1 có cự ly 70 km, phải qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội (15.000 đồng/ô tô con), tuyến tránh Biên Hòa (20.000 đồng/ô tô con) và dự kiến qua tết Ất Mùi có thêm trạm ở cầu Đồng Nai (15.000 đồng/ô tô con). Để đi qua đường này cần khoảng ba giờ vất vả “vượt” qua các điểm nóng từ Suối Tiên đến ngã ba Vũng Tàu, từ TP Biên Hòa đến Dầu Giây.
“Theo quốc lộ 1 phải qua các khu vực dân cư đông đúc, ô tô chạy chậm, phải thắng để giảm tốc độ khi gặp sự cản trở rồi lại chuyển số, đạp ga tăng tốc trở lại liên tục. Tính cho dòng xe phổ thông Innova hiện nay thì mức tiêu hao nhiên liệu cho việc qua đoạn quốc lộ này khoảng 10 lít/100 km. Nhưng nếu đi trên cao tốc thì chỉ khoảng 8 lít/100 km hoặc ít hơn” - kỹ sư Hồ Đại Lãng, khoa Ô tô - Máy động lực (ĐH Bách khoa TP.HCM), cho biết.
Ông Lãng phân tích: Để tính nhiên liệu tiêu hao phải dựa vào vòng quay của máy và thời gian vận hành. Dĩ nhiên nếu rồ ga rồi đạp thắng liên tục thì sẽ tiêu tốn xăng/dầu nhiều hơn. Bỏ qua yếu tố lực cản gió thì mức tiêu hao nhiên liệu khi đi trên quốc lộ 1 gấp 1,25 lần so với đi cao tốc cho một giờ chạy. Ngoài ra cùng quãng đường nhưng đi cao tốc chỉ cần một giờ còn đi quốc lộ 1 lại mất ba giờ. Tính trung bình mức tiêu hao nhiên liệu cho việc đi quốc lộ 1 cao hơn khoảng 2,4 lần so với đi cao tốc.
Như vậy, từ TP.HCM đến ngã ba Dầu Giây nếu đi cao tốc bằng xe phổ thông là Innova thì mất khoảng 4 lít xăng (khoảng 65.000 đồng, theo giá xăng A95 hiện 16.200 đồng/lít), trong khi đi quốc lộ 1 cần đến 9,6 lít (gần 155.520 đồng). Rõ ràng đây là sự chênh lệch khá lớn, thừa sức trả phí khi đi trên cao tốc. Ngoài ra theo kỹ sư Lãng, khi đi quốc lộ 1 còn phát sinh nhiều hơn chi phí bảo trì, bảo dưỡng do các chi tiết thắng, hệ thống giải nhiệt, dầu bôi trơn, hộp số... phải làm việc liên tục.
Để tiết kiệm hơn nữa, ông Trần Thanh Hùng “mách nước” thêm: Tài xế có thể chỉ đi đoạn đầu cao tốc từ TP.HCM và đến nút giao quốc lộ 51 sẽ theo tỉnh lộ 769 về Dầu Giây (như trước khi đoạn cao tốc cuối chưa thông). Theo lộ trình này vẫn tránh được kẹt xe lại không qua các trạm thu phí trên quốc lộ 1 mà tiết kiệm được 300.000 đồng phí cho đoạn cao tốc mới.
Mức phí trên tuyến cao tốc Long Thành
Sáng 8-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe, đưa vào khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến cao tốc này (tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD) đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, có tổng chiều dài toàn tuyến 55 km. Tuyến đường giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ TP.HCM đi Vũng Tàu, ngã ba Dầu Giây… so với lộ trình cũ theo quốc lộ 1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá đây là dự án có ý nghĩa quan trọng giúp phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực và của cả nước. |