Di tích vương triều Mạc bị đục phá ngày đêm

Cách bãi cọc Bạch Đằng tại cánh đồng Cao Quỳ chưa đầy một cây số, làng Thiểm Khê nằm ngay ngã ba sông Giá - sông Đá Bạc. Đây không chỉ là di tích gắn với trận chiến Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông lần ba mà còn là thành lũy phòng thủ của vương triều Mạc.

Từng là thành lũy kiên cố 

Tại hội thảo đánh giá về di tích Thiểm Khê được Sở VH-TT TP Hải Phòng tổ chức năm 2015, nhiều nhà khoa học đã nhận định khu vực này vào thế kỷ 13 đã được nhà Trần xây dựng làm căn cứ chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288 với trận Trúc Động hào hùng.

Tới thế kỷ 16, cũng tại khu vực Thiểm Khê, vương triều Mạc cho xây dựng một khu thành lũy phòng thủ với thành Thạch Bích (thành Dền), thành Đấu Đong, kho quân lương, luyện binh.

Theo báo cáo của Bảo tàng Hải Phòng, thành Dền được nhà Mạc đắp bằng đất núi trộn đá dăm. Khu vực này có chu vi khoảng 4.000 m, nằm trong khu vực thung lũng tiếp giáp vùng ngã ba sông, xung quanh được bao bởi các ngọn núi Thành Dền, Cổ Ngựa, Cổ Dẹo, Bụt Mọc.

Gần thành Dền là thành Đấu Đong, được nhà Mạc cho đắp thành gò đất hình bán nguyệt 7.000 m2 làm nơi tập luyện, điểm binh. Những năm 80 của thế kỷ trước, tại núi Thành Dền, người dân vẫn thấy những phần tường thành còn sót lại.

Cũng từ nhiều năm trước, người dân Thiểm Khê đã nhiều lần phát hiện ra bãi cọc tương tự như các cọc được khai quật khảo cổ ở cánh đồng Cao Quỳ.

Cụ Đỗ Thị Bao (89 tuổi, trú thôn 9, Thiểm Khê) cho hay giữa năm 1966, khi máy bay Mỹ đánh phá, một quả bom đã đánh trúng khu vực Cửa Cái ngay vùng ngã ba sông, nhiều cọc gỗ Bạch Đằng đã lộ ra dưới hố bom. Hồi đó, những cọc gỗ này được xã mang về đóng nhà kho, nhà trẻ của làng. Sau này nhà kho, nhà trẻ bị phá, các cây gỗ này bị thất lạc.

Hơn chục năm trước, khu vực Cửa Cái lúc ấy đã thành trại giam Xuân Nguyên, khi tiến hành đào rãnh thoát nước cho trại giam, người ta phát hiện được 10 cọc gỗ tương tự các cọc gỗ ở cánh đồng Cao Quỳ. Các cọc gỗ này được để vào một chỗ. Tới nay, trong khu xưởng sản xuất của trại vẫn còn lưu giữ năm cây cọc gỗ mục ruỗng bạc phếch.

Một máy xúc khai thác đất silic trái phép tại khu vực núi Thành Dền vùng ngã ba sông Giá - sông Đá Bc. Ảnh: ĐH

Núi Thành Dền - nơi được xác định là di tích đang bị băm nát bởi hoạt động khai thác khoáng sản bừa bãi. Ảnh: ĐH

Đục phá ngày đêm trục lợi

Từ nhiều năm nay, khi khu vực Thiểm Khê trở thành vùng khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, di tích vương triều Mạc bị tàn phá tan hoang.

Từ năm 2003 đến 2009, khu vực núi Thành Dền, UBND huyện Thủy Nguyên đã cho ba hộ dân thuê hơn 3,3 ha đất trong 20 năm để sản xuất, chế biến đá vôi, phụ gia xi măng, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Tại khu vực các ngọn núi xung quanh thành lũy vương triều Mạc, trong các năm 2006-2008, TP Hải Phòng cũng cấp phép cho bốn doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại các núi Bụt Mọc, Cống Đá, Thành Dền.

Theo đánh giá của Sở VH-TT TP Hải Phòng, tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi của một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nhiều năm đã khiến cho địa hình, địa mạo, cảnh quan môi trường khu vực này bị biến dạng.

Núi Bụt Mọc bị băm khoét, xung quanh chỉ còn chỏm núi đá chơ vơ giữa cánh đồng. Núi Cống Đá bị khoét rỗng ruột, chỉ còn lại một phần vách đá lởm chởm bao quanh. Một khoảnh lớn núi Thành Dền chứa đất silic bị đào khoét tan hoang.

Tại núi Thành Dền, giấy phép khai thác của đơn vị khai thác hết hạn từ năm 2012 nhưng cơ quan chức năng không thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường. Thời ấy xã Liên Khê lấy lý do làm đường, hàng loạt phương tiện, máy móc tiếp tục đào móc, biến nơi đây thành công trường khai thác “thổ phỉ” bởi đất silic ở đây được dùng làm phụ gia xi măng rất có giá trị.

Ông Cù Văn Ngọc (trú thôn 9, Thiểm Khê) cho biết các nhóm “thổ phỉ” hoạt động công khai giữa ban ngày với máy xúc, xe ben rầm rập. Chỉ khi nào bị dòm ngó họ mới chuyển sang hoạt động vào ban đêm, máy xúc rầm rập tới sáng. Đất đào xong được tập kết ra bờ sông chuyển đi theo đường thủy. “Dân chúng tôi báo chính quyền nhưng chẳng ai ngăn cản” - ông Ngọc nói.

Theo ghi nhận, tới nay hầu như phần đất silic ở núi Thành Dền đã bị khai thác sạch sẽ, phần lớn ngọn núi này đã bị chém bay. Có chỗ vách núi bị khoét dựng đứng tới tận chân, có chỗ bị khoét thành những hố rộng toang hoác, sâu hoắm như những hồ nước.

Bị chồng lấn quy hoạch

Năm 2015, Sở VH-TT TP Hải Phòng đã xác định di tích thành Dền là khu vực có giá trị di sản văn hóa, đề nghị UBND TP căn cứ theo Luật Di sản văn hóa, Luật Khoáng sản cho dừng hoạt động khai thác tại đây để lập dự án tôn tạo, xây dựng di tích. Diện tích khu vực nghiên cứu khảo sát quy hoạch là 20 ha. Tuy nhiên, việc nghiên cứu quy hoạch này bị rơi vào quên lãng, núi Thành Dền bị “thổ phỉ” nhảy vào xâu xé.

Còn ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cho biết dự án bảo tồn khu vực thành Dền vào thời điểm năm 2015 phải dừng lại do chồng lấn quy hoạch bởi khu vực này rơi vào vùng quy hoạch khai thác khoáng sản được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008.

Sẽ bảo tồn bãi cọc Bạch Đằng lẫn di tích triều Mạc

Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở VH-TT TP Hải Phòng, cho biết sau khi khai quật khảo cổ bãi cọc Bạch Đằng, TP đã chỉ đạo khảo sát quy hoạch toàn bộ di tích này. Nếu di tích thành Dền vương triều Mạc nằm trong vùng di tích này thì sẽ được bảo tồn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm