Đĩa than tái xuất: có mạo hiểm?

Không còn là những sản phẩm đơn lẻ, ngày 19.9, công ty Giao Hưởng Xanh cùng hãng phim Trẻ chính thức công bố dự án đĩa than dài hơi tại Việt Nam, mở màn bằng bảy album trong giai đoạn đầu.

Đĩa than là một trong những phương tiện ghi âm khởi đầu của lịch sử âm nhạc, từng rất phổ biến tại Việt Nam vào thập niên 60 thế kỷ trước. Với chất lượng âm thanh trung thực, đĩa than từng là thú chơi cao cấp của nhiều thế hệ yêu âm nhạc. Sau thời gian dài bị lãng quên bởi sự tiện dụng của băng cátxét, đĩa CD và nhạc số, trong vài năm trở lại đây, đĩa than đang dần chiếm lại sự quan tâm của một bộ phận người nghe nhạc kỹ tính và cộng đồng “chơi âm thanh” trên thế giới cũng như trong nước.

Sở hữu một khối lượng băng đĩa, ca khúc thu âm lớn của thời hoàng kim nhạc nhẹ Việt Nam thập niên 1990, hãng phim Trẻ và công ty Giao Hưởng Xanh đã quyết định tái khai thác những chương trình âm nhạc, chuyển tải qua phương tiện đĩa than cùng với việc tổ chức thu những chương trình mới, sản xuất mới theo công nghệ analog.

Bà Nguyễn Thanh Thuỷ, giám đốc công ty Giao Hưởng Xanh, người gắn bó với việc sản xuất âm nhạc hơn 20 năm nay cho biết đã cho ra mắt ba sản phẩm đầu tiên là album Vinh quang Việt Nam (Hồng Vy và Trần Mạnh Hùng), Mùa thu không trở lại (tiếng hát Lê Dung) và Hà Nội mùa vắng những cơn mưa. Tiếp sau đó, từ nay đến cuối năm sẽ giới thiệu bốn album khác là Lệ Quyên Acoustic, Yêu – tuyển tập các ca khúc tiền chiến, Ngồi hát ca bềnh bồng và Evergreen Thuyền viễn xứ. Bà cho biết tiêu chí được chọn để sản xuất bao gồm những chương trình đã ghi dấu ấn sâu đậm với người nghe. Với những album được làm lại, nhà sản xuất sẽ gửi qua Mỹ để làm hậu kỳ và xuất đĩa.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, thị hiếu của người nghe khá phức tạp, băng đĩa lậu và nhạc miễn phí trên internet tràn lan, dòng sản phẩm chính thống và việc sản xuất đĩa than chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thách thức. Cú bắt tay quyết định của hãng phim Trẻ và Giao Hưởng Xanh được xem là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, vì đây là dự án sản xuất và phát hành quy mô đầu tiên về sản phẩm âm nhạc đĩa than ở Việt Nam.

“Chúng tôi đã và sẽ nhiều khó khăn ở phía trước, sự nghi ngại và thờ ơ, sự thua lỗ bước đầu là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có niềm tin vào tương lai và sức sống của những giá trị bền vững” – ông Phan Văn An, phó giám đốc hãng phim Trẻ cho biết.

Sự mạo hiểm vẫn có chút hy vọng mong manh khi gần đây, trên thế giới, doanh số đĩa than có dấu hiệu tăng. Theo số liệu của Nielsen SoundScan, vào năm 2008, doanh số đĩa than đạt gần 1,9 triệu đĩa, cao nhất kể từ năm 1993. Doanh số đĩa than tăng đều trong năm năm liên tiếp, với doanh số năm 2012 đạt 4,6 triệu đĩa (tăng 17,7% so với 2011 và gần 2,5 lần doanh số năm 2008). Nielsen SoundScan dự báo năm nay, doanh thu đĩa than sẽ đạt ngưỡng 5,5 triệu đĩa. Theo số liệu của IFPI (liên đoàn Quốc tế của ngành công nghiệp ghi âm), doanh thu đĩa than toàn cầu tăng liên tục từ 2006 – 2011, tăng từ 55 triệu USD lên gần 125 triệu USD (gần 2,3 lần).

“Nếu tính theo xu hướng chung của thế giới thì chúng ta có quyền hy vọng, nhưng cũng không thể nói trước được nhiều vì thị trường Việt Nam quá “bí hiểm” và trắc trở. Nhạc số và CD đang thống lĩnh. Xã hội ngày càng vội vã, muốn nghe một bài hát phải ngồi cân chỉnh âm thanh trong khi với nhạc số chỉ cần nhét tai nghe và di chuyển. Tuy vậy, chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhất mọi thứ để sẵn sàng cho một chặng đường dài mạo hiểm với đĩa than”, bà Nguyễn Thanh Thuỷ nói.

Có khoảng năm địa điểm phát hành, nghe thử nhạc tại TP.HCM sẽ bắt đầu cùng dự án đĩa than. Ngoài ra, từ tháng 11, Fahasa Nguyễn Huệ sẽ dành một góc riêng cho đĩa than. Thị trường âm nhạc thiếu tính chọn lọc, âm thanh chưa đáp ứng được yêu cầu cộng thêm khuyết điểm không có giá trị sưu tầm của nhạc số hy vọng sẽ giúp đĩa than có cơ may trở thành một xu hướng nghe nhạc tinh tế trong đời sống giải trí.

 
Nhà sản xuất cho biết sẽ sản xuất khoảng 500 bản đĩa/chương trình. Giá bán từ 945.000đ – 1.240.000đ.
Từ 19.9 sẽ có ba album tái sản xuất dưới định dạng đĩa than gồm:
Vinh quang Việt Nam (thu âm năm 2007): một tác phẩm kỳ công của đôi vợ chồng nghệ sĩ: nhà biên soạn, hoà âm, nhạc sĩ sáng tác, giảng viên âm nhạc Trần Mạnh Hùng và Hồng Vy – giọng nữ cao thính phòng.
Mùa thu không trở lại (thu âm năm 1997): album nhạc trữ tình hay nhất của Lê Dung.
Hà Nội mùa vắng những cơn mưa: album mở đầu thời kỳ lên ngôi của ca khúc viết về Hà Nội, một trong những chương trình được đánh giá cao và ăn khách nhất của hãng phim Trẻ.

Theo Trâm Anh (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm