Dịch cúm H7N9 thập thò ở biên giới Việt-Trung

Đó là nhận định của liên ngành y tế, nông nghiệp trong “cuộc chiến” chống lại dịch cúm A trên người và gia cầm hiện nay tại Việt Nam tại Hội nghị triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch cúm A/H7N9 do liên bộ Y tế và NN&PTNT tổ chức sáng qua 13-4, tại Hà Nội.

H7N9, loại cúm vô hình

Theo Bộ Y tế, hiện tại Trung Quốc đã có 43 ca cúm A/H7N9, trong đó có 11 ca tử vong trên địa bàn bốn tỉnh Thượng Hải, Giang Tô, An Huy và Chiết Giang. Tất cả trường hợp tử vong đều bị viêm đường hô hấp nặng với biểu hiện sốt cao, ho và khó thở… “Đây là lần đầu tiên loại cúm này gây bệnh trên người. Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc khá dài, hơn 1.300 km, lưu thông đi lại rất nhiều nên nguy cơ lây lan dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng rất cao” - bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, nói.

Ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cũng cho biết qua theo dõi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhận định loại cúm A/H7N9 có nguồn gốc gien từ virus cúm gia cầm; dễ mắc ở nhóm người trên 60 tuổi, chủ yếu là nam giới với thời gian phát bệnh trung bình là 10,76 ngày. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh cho loại virus cúm này.

Dịch cúm H7N9 thập thò ở biên giới Việt-Trung ảnh 1

Thượng Hải đóng cửa các chợ gia cầm và cho nhân viên thu gom bồ câu ở các quảng trường để tránh lây lan dịch H7N9. Ảnh: AFP (qua Getty Images)

Đánh giá về tình thế trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Nguy cơ đang hiện hữu ngay trước mắt, nó đe dọa sức khỏe của người dân và ổn định xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đã có kinh nghiệm chống cúm gia cầm 10 năm, từng có kinh nghiệm đối phó với đại dịch SARS nguy hiểm gấp nhiều lần. Chỉ cần chính quyền và người dân nhận thức được đầy đủ nguy cơ, có phương án cụ thể sẽ đối phó và ngăn chặn được cúm A/H7N9”.

“Chặn dịch từ đường biên”

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho biết hiện Cục Thú y đang tiến hành xét nghiệm 500 mẫu bệnh phẩm (đã dương tính với virus cúm A) nhằm rà soát virus cúm H7N9 xuất hiện tại Việt Nam hay chưa. Dự kiến ngày 15-4 sẽ cho kết quả cụ thể. Cục Thú y cũng đang chuẩn bị xét nghiệm thêm 3.000 mẫu khác để rà soát loại virus cúm H7N9.

Ngoài ra, ngành y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành khác để đảm bảo ngăn chặn dịch cúm H7N9 ngoài biên giới, cố gắng không để virus cúm H7N9 gây chết người tại Việt Nam. Đối với người dân, việc chủ động phòng, chống các dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế vẫn là biện pháp đơn giản nhất như rửa tay sạch bằng xà phòng, không ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là gia cầm, thủy cầm, gia súc bị bệnh. Theo dõi và phát hiện sớm khi có các dấu hiệu ban đầu như ho, sốt, đau ngực, khó thở… và đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng yêu cầu toàn ngành nông nghiệp kiểm soát chặt chẽ dịch cúm trên gia cầm để từ đó ngăn chặn cúm gia cầm trên người.

H7N9, loại cúm gia cầm lạ thường

Tổ chức Quốc tế về sức khỏe động vật (OIE) đặt tại Paris dự báo rằng việc phát hiện loại virus này là cực kỳ khó khăn ở gia cầm. BS Bernard Vallcit, Tổng Giám đốc OIE cho biết: Gia cầm nhiễm H7N9 không chết và không có dấu hiệu lâm sàng có thể nhìn thấy. Người ta chỉ phát hiện ra nó khi làm xét nghiệm. Điều này là không thể đối với toàn bộ các trại nuôi gà vịt Trung Quốc, nơi H7N9 hoành hành. Nhưng khi lây qua người, H7N9 sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

TH.T. (Theo Le Figaro)

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm