Dịch từ tiếng Việt sang… tiếng Việt!

Đó là những bản “dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt”! Phần lớn các dịch giả cao tuổi uy tín này đã mất, hoặc ở nước ngoài, hoặc già yếu. Họ không còn con cháu hoặc con cháu ở nước ngoài không hay biết. Mà nếu có biết họ cũng chẳng thèm kiện tụng, sợ mất thời giờ, phiền toái mà chưa biết đi đến đâu trong khi luật pháp còn khá lỏng lẻo. Hai học giả - dịch giả nổi tiếng đã quá cố có nhiều tác phẩm bị xào nấu, biên soạn, “biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt” là Nguyễn Hiến Lê và Hoàng Xuân Việt. Xin nêu trường hợp học giả - dịch giả Nguyễn Hiến Lê. Cụ có cả trăm đầu sách biên soạn và sách dịch. Cụ Lê mất năm 1984, để lại cả một gia tài trước tác đồ sộ nhưng người con trai ở Pháp hình như không quan tâm. Bà Lê già yếu, ủy quyền miệng cho một người bạn của ông là ông Lê Ngộ Châu, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chíBách Khoanổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông Châu lại ủy quyền miệng cho một ông nguyên là thầy giáo đã chuyển sang làm sách. Thật ra thì ông Châu không có tư cách pháp nhân để ủy quyền nhưng cái phong cách những người làm văn hóa ở miền Nam trước năm 1975 là như vậy. Đôi khi chỉ là một câu nói của một người uy tín đủ bảo đảm cho một tác phẩm.

Trước năm 1975, ở miền Nam ít có nhà văn, nhà thơ, dịch giả nào đăng ký bản quyền, có lẽ vì trong lĩnh vực văn chương rất ít người ăn cắp bản quyền. Có chăng là vài cây bút trẻ “mượn tạm” một câu văn hay đưa vào tác phẩm mình, hay có bạn trẻ “chôm” một vài câu thơ để “dợt le” với bạn bè, nhất là bạn gái, vì thích quá mà không làm được. Tác giả biết được cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng hay cười xòa khi anh bạn trẻ gãi đầu là xong. Thời tôi làm thư ký tòa soạn một tờ tuần báo năm 1972, thỉnh thoảng cũng bắt gặp trong các bản thảo gửi về tòa soạn một câu thơ hay, một đoạn văn trau chuốt ngờ ngợ đã gặp đâu, tôi bỏ ngay bài đó. Nhưng có lần vội chuyện gì đó, cần một truyện đang chờ báo lên khuôn, tôi đã đọc chọn và cho đăng một truyện ngắn khá hay của một cây bút học trò. Báo in xong, tôi nhận tới tấp những thư phản hồi rằng truyện đó là một chương truyện dài của một nhà văn nữ nổi tiếng. Tôi nhắn ngay cho anh bạn trẻ, bảo đừng làm như vậy nữa. Anh chàng từ đó về sau mất liên lạc (nhưng sau này tôi biết anh đã đổi bút danh và chuyển sang làm thơ khá thành công).

Hơn 20 năm qua, một số sách dịch ăn khách của cụ Lê liên tiếp được ấn hành, không biết tác quyền ai hưởng nhưng ít nhất họ cũng đề tên dịch giả là Nguyễn Hiến Lê. Nhưng thời gian gần đây, một công ty làm sách nghe đâu đã mua bản quyền gốc một số tác phẩm ăn khách nổi tiếng mà trước đây cụ Nguyễn Hiến Lê đã dịch, rồi thuê một nhóm cộng tác viên trẻ tuổi “xào nấu” lại từ cái tựa sách làĐắc nhân tâmcho đến các chương hồi, đảo tới đảo lui thành những bản “biên dịch” do một nhóm thực hiện. Một thời gian sau cuốn Đắc nhân tâm tái bản, thấy đứng tên một “Người biên dịch”. Và mới đây khi tôi lại phát hiện không đề tên “Người biên dịch” nữa mà đã chuyển sang thành “Người dịch”. Rõ ràng đây là một quy trình có tính toán. Cũng giống như một  nhân vật mà tôi đã có lần nhắc đến, khi anh ta phụ soạn sách với một học giả tên tuổi, khi in sách anh ta được học giả cho đứng tên chung, dĩ nhiên là đứng sau. Sau khi vị học giả kia qua đời, sách tái bản, tên anh ta đứng trước tên bậc tiền bối. Rất lâu sau, anh ta tái bản sách, không còn thấy tên vị học giả soạn chung nữa vì ông cụ không còn ai thừa kế, cháu chắt chẳng ai biết chuyện này. Đúng là gian dối cũng cần có quy trình!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.