Điểm mới trong tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023

(PLO)- Để tuyển được thí sinh phù hợp, nhiều trường có đào tạo ngành sư phạm tự tổ chức hoặc sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023, Trường ĐH Sài Gòn dự kiến tuyển 4.895 chỉ tiêu cho 40 ngành học. Đáng chú ý, ở 15 ngành đào tạo sư phạm trường dự kiến tuyển đến 1.000 chỉ tiêu, tăng 350 chỉ tiêu so với năm trước.

Tăng chỉ tiêu nhưng lo… chờ duyệt

Cụ thể, ngành sư phạm tiếng Anh tăng từ 60 lên 150, toán tăng từ 18 lên 50, khoa học tự nhiên và lịch sử - địa lý mỗi ngành tăng từ 20 lên 50 chỉ tiêu. Các ngành sư phạm lịch sử, vật lý, hóa học, địa lý… năm trước tuyển 15 chỉ tiêu nhưng năm nay tuyển 40.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu, trong đó một số ngành đào tạo sư phạm tuyển nhỉnh hơn năm 2022. Đơn cử, chỉ tiêu sư phạm ngữ văn tăng 35 lên 80, giáo dục tiểu học tăng 20 lên 320, sư phạm sinh học tăng 14, sư phạm hóa học tăng 10… Đặc biệt, năm nay trường tuyển sinh thêm sư phạm toán và giáo dục tiểu học dạy bằng song ngữ Việt - Anh.

Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tư vấn cho học sinh về thông tin tuyển sinh năm 2023 của trường. Ảnh: NT

Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tư vấn cho học sinh về thông tin tuyển sinh năm 2023 của trường. Ảnh: NT

Theo kế hoạch, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến tuyển 3.421 chỉ tiêu ĐH chính quy. Những ngành có chỉ tiêu cao đều là ngành có nhu cầu tuyển dụng giáo viên lớn như sư phạm hóa học 563, vật lý 292, lịch sử - địa lý 260, khoa học tự nhiên 200… Cạnh đó, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cũng dự kiến chỉ tiêu khá lớn cho những ngành đặc thù như giáo dục mầm non 600, giáo dục tiểu học 250; sư phạm ngữ văn 210, khoa học tự nhiên 205, lịch sử - địa lý 245 chỉ tiêu…

Vì là nhóm ngành có những quy định đặc thù, nhiều trường dù đưa chỉ tiêu khá lớn nhưng chưa phải là số lượng sẽ được tuyển. Theo quy định hiện hành (Nghị định 116/2020/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT), các trường chỉ thực hiện xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực hiện có và báo cáo về Bộ GD&ĐT để đăng ký. Từ đó, bộ xác định và thông báo chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu địa phương và cả nước.

Ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho hay chỉ tiêu dự kiến nhóm ngành sư phạm của trường năm nay tăng so với đề án chính thức của năm 2022, song thực chất chỉ tương tự chỉ tiêu dự kiến năm đó. Trường đang chờ quyết định của bộ nên chưa biết sẽ được duyệt bao nhiêu dù năng lực đào tạo đáp ứng hơn chỉ tiêu dự kiến.

Tăng xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực

Năm 2023, ở các trường có đào tạo nhóm ngành sư phạm, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 vẫn chiếm tỉ lệ 50%-70%. Tuy nhiên, điểm mới là một số trường sư phạm tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, đồng thời mở rộng chỉ tiêu và số trường sư phạm cùng sử dụng chung kết quả này.

Năm 2023, các trường có nhóm ngành đào tạo sư phạm tiếp tục dự kiến tăng chỉ tiêu và đa dạng hóa phương thức xét tuyển, ngoài sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường tiếp tục tổ chức hoặc dùng chung kết quả thi tuyển sinh riêng.

Điển hình, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tuyển sinh theo năm phương thức. Để tuyển được thí sinh (TS) giỏi, trường dành 20% tổng chỉ tiêu xét tuyển và ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các lớp chuyên, 30%-50% chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đặc biệt, tăng 30% chỉ tiêu tuyển từ kết quả học tập THPT kết hợp điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) chuyên biệt do trường tổ chức năm 2022, 2023 hoặc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2023.

Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, năm đầu tiên tổ chức xét tuyển từ điểm thi ĐGNL (năm 2022) có hơn 2.000 TS tham gia. Bài thi thiết kế gọn nhẹ, tính phân loại cao, đánh giá được năng lực của TS trong từng lĩnh vực cụ thể. Năm nay trường tiếp tục kỳ thi này với chỉ tiêu cao hơn, phạm vi sử dụng kết quả ở các ngành học cũng tăng (17 ngành sư phạm và một số ngành khác). Đợt 1 của kỳ thi từ ngày 26 đến 28-5, đợt 2 từ ngày 9 đến 11-6. TS làm sáu bài thi toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh hoàn toàn trên máy tính.

Năm 2023 là năm thứ hai Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi ĐGNL trong ngày 6-5 với hơn 4.600 TS tham gia, tăng gấp đôi so với năm trước. Kỳ thi chia năm ca tại hai điểm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định). TS lựa chọn đăng ký một số trong tám bài thi độc lập: Toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Kết quả thi này không chỉ được dùng xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mà còn được bảy trường khác trong khối sư phạm sử dụng tuyển sinh đầu vào là các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm - ĐH Huế, ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và ĐH Quy Nhơn.

Không được tuyển vượt chỉ tiêu

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở có ngành đào tạo sư phạm rà soát và cập nhật chính xác chỉ tiêu được bộ thông báo và phải có phương án để không tuyển vượt chỉ tiêu. Các cơ sở chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đồng thời phải cập nhật danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống trước 17 giờ ngày 8-7.

TS đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) từ ngày 10 đến 17 giờ ngày 30-7. Từ ngày 12 đến trước 17 giờ ngày 20-8 sẽ tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng trên hệ thống để công bố kết quả chính thức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm