Từ thời được thầy “Giôm” rèn giũa ở Hàm Rồng theo chủ trương của lò Arsenal JMG, lứa Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường… nổi tiếng đá đẹp, hoa mỹ và chỉ có khuynh hướng tấn công. Họ được khuyến khích cầm bóng, đột phá và chơi thứ bóng đá ngẫu hứng thể hiện chất kỹ thuật được đào tạo cho những cá nhân phát huy sở trường.
Lối đá đấy được người xem thích thú bởi nét đẹp và vô tư, trong sáng nhưng dưới góc độ một đội bóng cần thành tích thì cái đẹp đấy nhiều khi lại bị bắt bài hoặc bị bế tắc bởi thứ bóng đá thực dụng. Đó cũng là lý do suốt bảy mùa bóng, lứa cầu thủ đấy thật chật vật ở V-League và có lúc rất “tơ” với những đội bóng láu lỉnh, thực chiến hơn như Hà Nội.
Công Phượng đá tiền đạo nhưng bây giờ cũng có trách nhiệm tranh cướp, phòng ngự ngay từ tuyến đầu. Ảnh: ANH ĐỒNG
Khi HLV Kiatisak về, cựu tuyển thủ Thái Lan đã nhận ra ngay điểm yếu và thiếu của lứa cầu thủ được xem là tài năng nhưng thiếu tính thực dụng và sự thực chiến. Thời gian chưa nhiều nhưng Kiatisak chỉ điều chỉnh lại một số quy định trong lối chơi tập thể và tinh thần cần có của một đội bóng muốn chạm đến thành tích. Đầu tiên là Kiatisak dẹp bỏ khái niệm “đá cho vui” mà phải là đá có thành tích. Kế đến là khơi dậy lòng tự trọng nơi các cầu thủ với hai ngôi sao trên ngực áo từ lứa Kiatisak chứ không phải là lứa học viện ra trường. Kiatisak cũng nâng thể lực lên và nâng sức mạnh lên, buộc các cầu thủ phải siêng năng tranh chấp và có trách nhiệm ngay từ khi để mất bóng.
Xem các cầu thủ HA Gia Lai thi đấu bây giờ thấy rõ họ máu hơn, quyết liệt hơn và phạm lỗi nhiều hơn trong những lần tranh cướp. Những tiền đạo giờ cũng bỏ đi thói quen lững thững đi bộ khi mất bóng mà ngược lại phải đeo, phải gí đối thủ để giành lại bóng.
Hàng thủ vốn không nằm trong chương trình huấn luyện của lò JMG nhưng nay Kiatisak buộc các cầu thủ đều phải biết phòng ngự ngay từ vị trí tiền đạo. Đó là nét tích cực mà các cầu thủ HA Gia Lai thay đổi hẳn ở mùa bóng này và thường xuyên làm quẩn chân đối thủ hơn là nhìn đối thủ triển khai như trước đây.