Điểm tựa ngày ra tù

Với những người chấp hành xong hình phạt tù, bên cạnh niềm vui được tự do là ăm ắp nỗi lo. Cách ly khỏi đời sống xã hội quá lâu, việc tái hòa nhập không phải dễ dàng gì.

Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh Đồng Nai được thành lập năm 2010 từ ý tưởng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc công an tỉnh, đã trở thành điểm tựa ngày về cho gần 500 phạm nhân mãn hạn tù trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ước mơ lương thiện

Trong con hẻm ở phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa có một tiệm sửa xe máy. Chủ tiệm là anh Trần Văn Sen, người rắn chắc và có nụ cười thật hiền.

Nhà nghèo, cha Sen bỏ nhà đi khi anh em Sen còn nhỏ, mẹ Sen lấy chồng khác, hai anh em Sen được dì ruột cưu mang. Nhà dì cũng nghèo, Sen nghỉ học đi học nghề sửa xe máy rồi làm ở một salon xe.

Trong xóm có một đứa rất nghịch ngợm hay ăn hiếp Sen và nhiều đứa khác. Bị đánh hoài, Sen rất ức. Một buổi tối Sen về nhà thừ người ra và nói với dì: “Nó ăn hiếp, đánh con hoài, con chịu hết nổi, con tức quá lấy dao đâm. Dì dượng kêu công an vô bắt con đi…”. Đêm Sen bị bắt cũng là 49 ngày mẹ Sen chết. Sen bị tòa kết án năm năm tù về tội cố ý gây thương tích.

 
Vợ chồng chị Trần Thị Thanh đang bán hủ tiếu. Ảnh: TRUNG DUNG

Thụ án hơn ba năm, tháng 8-2013, Sen được xét đặc xá. Nghe thông tin quỹ doanh nhân cho những người mãn hạn tù vay vốn, Sen làm hồ sơ đến phường xin vay để mở tiệm sửa xe máy và được xét cho vay 30 triệu đồng. Sen mua dụng cụ, đồ nghề, số tiền còn lại để mua bán xe máy đã qua sử dụng. Anh kể: “Tiệm mở trong hẻm, chủ yếu nhờ khách quen đem xe đến sửa nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 150.000-200.000 đồng”.

Chúng tôi đến nhà Hoàng Văn Thăng, 34 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP Biên Hòa, vừa mãn hạn tù sau tám năm thụ án, được xét cho vay 20 triệu đồng để mua đồ nghề làm cửa sắt.

Từ khi có đồ nghề, thay vì đi làm công thì Thăng đi nhận làm cửa sắt cho các công trình, nhà dân. “Thu nhập cao hơn, phụ giúp được gia đình nhiều hơn và không có thời gian bị các đối tượng xấu rủ rê để rơi vào con đường xấu…” - Thăng tự tin bày tỏ. Mẹ Thăng chia sẻ thêm: Bạn bè Thăng đứa nào cũng có gia đình, nay công việc làm ổn định, gia đình cũng đang hối thúc Thăng kiếm vợ.

Chị Trần Thị Thanh ngụ phường Bửu Long sau khi ra tù được quỹ xét cho vay 20 triệu đồng để thuê nhà, mua bàn ghế để mở quán hủ tiếu gần Trường ĐH Lạc Hồng. Chúng tôi đến khi chị Thanh tất bật làm đồ ăn cho khách. Chị cho biết giá khá bình dân nên khách ra vô liên tục, mỗi ngày kiếm được 300.000-400.000 đồng, có ngày hơn một chút, đủ lo cho hai con ăn học.

Công an phường Tam Hiệp đến hỏi thăm, động viên anh Trần Văn Sen. Ảnh: TRUNG DUNG

Giúp người cũng là giúp mình

Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNNH Thanh Bình chuyên về thức ăn gia súc và chăn nuôi, một trong những chủ doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự. Ngoài đóng góp quỹ, ông Bình còn nhận phạm nhân, người từ trường giáo dưỡng trở về vào làm việc phù hợp với khả năng của họ.

“Theo tôi, giới doanh nhân đóng góp quỹ là làm thiện nguyện để trả ơn xã hội, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Tôi thấy xã hội vẫn chưa thật mở rộng vòng tay với những người lầm lỗi trở về. Có người bạn bảo tôi sao anh lại nhận thành phần đó vào làm. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, một người bình thường tốt nghiệp đại học xin việc còn khó huống gì người mãn hạn tù. Đa phần họ không được học hành tới nơi tới chốn, vốn liếng không có để tự kinh doanh. Có nhiều người mang theo giấy ra trại để xin việc nhưng giấy ra trại ghi chi tiết hành vi phạm tội làm cho họ khó xin việc làm, khó tái hòa nhập với cộng đồng. Họ đâm ra chán nản, gặp đối tượng xấu rủ rê rồi quay lại con đường phạm tội. Nên chăng khi họ thụ án xong rồi, giấy trại chỉ nên ghi vi phạm pháp luật và đã chấp hành hình phạt, vừa thể hiện tính nhân văn và cũng dễ xin việc làm…” -  ông Bình bày tỏ.

Phó Chủ tịch quỹ, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico), thì cho rằng giúp người cũng là giúp mình. Hằng năm, riêng Công ty Dofico đóng góp cho quỹ 400 triệu đồng. Bà kể: “Khi thực hiện các hoạt động xã hội, người ta thích nhất là biết đồng tiền của mình bỏ ra đến địa điểm nào. Hội đồng quỹ doanh nhân cung cấp chi tiết các địa chỉ, mời các doanh nghiệp ủng hộ quỹ đi trao tiền vay vốn cho những người mãn hạn tù. Qua đó tạo điều kiện cho họ vay vốn làm ăn, không tái phạm trở lại là góp phần kéo giảm tình hình tội phạm, cuộc sống người dân bình an hơn”.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm