Hậu thành công của Avengers: Endgame, mới đây ông lớn Disney đã chính thức công bố lịch chiếu đến năm 2022 của 8 bộ phim siêu anh hùng thuộc Phase 4 do Marvel Studio sản xuất. Bên cạnh đó, hai bom tấn khác cũng thuộc quyền sở hữu của Disney là Star Wars và Avatar sẽ liên tục ra mắt khán giả mỗi mùa Giáng sinh từ năm 2021 đến 2027. Trong nửa cuối năm 2019 này, chúng ta sẽ chào đón những phần tiếp theo của hàng loạt thương hiệu X-men, Frozen, Toy Story, Spider-Man hay những Godzilla, Men in black, Kingsman và Zombieland… Chưa bao giờ những tác phẩm sequel (phần tiếp theo của một phim) lại trở nên đông đảo như thế.
Dòng phim thương hiệu đang thống trị Hollywood mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sự xuất hiện của franchise (phim thương hiệu) từ lâu đã không còn là điều mới mẻ. Năm 1916, phim điện ảnh The Fall of a Nation ra mắt, tiếp nối câu chuyện của “người anh” nổi tiếng Birth of a Nation (1915), đánh dấu khái niệm phim nhiều phần lần đầu tiên ra đời tại Hollywood. Trước khi trở thành “gà đẻ trứng vàng”, phim sequel từng chỉ là những thước phim hạng B nhằm tái sử dụng triệt để trang phục, đạo cụ vốn tốn kém và mất nhiều thời gian đầu tư. Giờ đây, khi nhìn trường hợp của Avengers: Endgame, với ngân sách khổng lồ lến đến 356 triệu USD hơn hẳn người tiền nhiệm Avengers Assemble, có thể khẳng định phim sequel chính là trọng tâm phát triển của nền công nghiệp phim ảnh đương đại.
Không khó để giải thích việc các hãng phim thi nhau “vắt sữa” những thương hiệu điện ảnh đình đám, và doanh thu khổng lồ có lẽ là câu trả lời phù hợp nhất. Trong bốn năm gần đây, 6/10 tác phẩm có doanh thu cao nhất đều đến từ dòng phim thương hiệu. Một ví dụ điển hình khác là Avengers: Endgame đã trở thành bộ phim nhanh nhất đạt doanh thu 2 tỉ USD, vượt xa gấp đôi phần 1 của nó.
Ngoài ngân sách đầu tư và kịch bản hay, một yếu tố khác quyết định sự thành công của bộ phim chính là độ tin cậy. Không bất ngờ khi bộ phim đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại (đã điều chỉnh theo mức độ lạm phát và sự tăng giá vé phim) thuộc về Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind), một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất đã ăn sâu vào lòng hàng triệu người hâm mộ. Và đó cũng là công thức chung được các nhà làm phim học hỏi. Thay vì mạo hiểu đầu tư cho một thương hiệu mới cần nhiều công sức xây dựng hơn, vậy tại sao lại không viết tiếp câu chuyện cho những tác phẩm quen thuộc, với dàn diễn viên mà khán giả quen mặt gọi tên? Với họ, thành công của phần tiếp theo hầu như được đảm bảo.
Gone with the Wind - tượng đài lớn của điện ảnh Hollywood.
Fan hâm mộ sẽ không tiếc thời gian chờ đợi phần tiếp theo của tác phẩm yêu thích. Ngay cả những khán giả thông thường cũng khó thoát khỏi sức quyến rũ từ một thương hiệu lâu năm. Phim thương hiệu đáp ứng cơn khát tạm thời của phần đông khán giả: Một chủ đề hot để trò chuyện, những câu thoại kinh điển hay vài chuyện đùa quen thuộc. Một cách tự nhiên, họ sẽ phát triển mối gắn kết và tình cảm đặc biệt của mình dành cho các nhân vật trong tác phẩm.
Tuy nhiên không hẳn mọi thứ đều vận hành theo quy luật chung đấy. Sự thất bại của Solo: A Star Wars Story thuộc Disney là một trường hợp ngoại lệ. Nhưng đó chỉ là “hạt cát nhỏ” giữa những vũ trụ Marvel, Avatar cùng chuỗi phim sử thi Star Wars mà Nhà Chuột tham vọng bành trướng. Sự ra đời của Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) cùng đường hướng ngày càng chắc chắn cho một bước đi dài hơi với những kỷ nguyên siêu anh hùng khác nhau đã phần nào thay đổi cách làm phim của Hollywood. Sự thành công của MCU (thuộc Disney), nói một cách nào đó đã gia tăng tham vọng cho những hãng phim khác đang sở hữu “đội quân” tương tự.
Solo: A Star Wars Story là thất bại đáng quên của ông lớn Disney.
Dòng phim thương hiệu đã và đang ngày càng chứng minh sức ảnh hưởng của nó, khi mà có hàng loạt tác phẩm sequel đạt thành công vượt trội so với người tiền nhiệm. Đó là những The Godfather II, Batman: The Dark Knight, Terminator II và The Empire Strikes Back. Sequel cho phép nhân vật được phát triển, thế giới được mở rộng và cốt truyện được đào sâu hơn. Nhưng đó chưa bao giờ là điều dễ dàng. Việc “xào nấu” lại liên tục một nội dung dường như đã khiến điện ảnh sa lầy vào sự thiếu sáng tạo và cạn kiệt ý tưởng. Điều này khiến nhiều thương hiệu điện ảnh nổi tiếng, được đầu tư, quảng bá công phu nhưng vẫn phải chịu cảnh “ngã ngựa” thảm hại. Trường hợp của: Pirates of the Caribbean: Salazar's Revenge, The Amazing Spider-Man 2, Superman IV, Transformer: Revenge of the Fallen … là những ví dụ điển hình.
The Godfather II là tác phẩm đạt được cả thành công về mặt nội dung lẫn doanh thu.
Sự thành công có phần dễ dàng trên đã khiến nhiều nhà sản xuất sa lầy trong vũng bùn thương hiệu điện ảnh, vắt kiệt những di sản cũ để rồi lại thất bại từ chính sự vội vàng, lười biếng trong sáng tạo. Song, cho dù có thành công về mặt doanh thu đi chăng nữa thì với tình hình “ăn theo” hiện tại, Hollywood quả tình đang ngày một đánh mất vị thế của nó.
Thế giới vẫn đang vận hành và thay đổi mỗi ngày. Nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay trong vùng an toàn của bản thân. Ta cho mình quyền lựa chọn những điều quen thuộc, để rồi tự tách biệt khỏi những mới mẻ ngoài kia. Tương tự, những đứa trẻ luôn cảm thấy an tâm khi được nghe kể câu chuyện yêu thích mỗi đêm. Song có lẽ, đã đến lúc cả khán giả và nền điện ảnh nên trưởng thành.