“Điện ảnh Việt từng có những cuộc chấn hưng kém hiệu quả”

Sau khi đọc bản dự thảo đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh đã có những suy nghĩ về những vấn đề cấp thiết, những kẽ hở trong bức tranh điện ảnh đương đại nhưng chưa được đề cập, chưa nhìn thấy biện pháp khắc phục trong bản đề án của Cục Điện ảnh. Dưới đây những ý kiến góp ý chân thành của một đạo diễn đã có 56 năm gắn bó với điện ảnh.

Điện ảnh Việt và những cuộc cải tổ, chấn hưng kém hiệu quả

Hơn một tháng sau cuộc họp đóng góp cho dự thảo đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, giới làm phim vẫn đặt nhiều câu hỏi, nhiều băn khoăn về đề án này. Hầu hết là những ý kiến nghi ngại về tính khả thi của đề án. Phóng viên Dân trí đã cuộc trao đổi, trò chuyện với đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh về những vấn đề tồn đọng, và lý giải “bản chất” của những vấn đề tồn đọng đã lâu trong điện ảnh Việt.

Nhắc đến đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ “Tôi là người đã có 56 năm gắn bó với ngành điện ảnh. Suốt thời gian đó tôi đã chứng kiến điện ảnh Việt Nam trải qua những thăng trầm, biến cố, những cuộc sắp xếp , cải tổ, chấn hưng v.v… nhưng hiệu quả không là bao, hơn thế còn gây ra rất nhiều lãng phí tiền của không ai thống kê nổi.. Bởi vậy bây giờ chỉ cần nghe đến những dự án phát triển, những đề án cải tổ này nọ là tôi thấy… giật mình”.

Đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh

Cách đây hơn 10 năm, khi còn là Đại biểu Quốc hội Khóa IX, NSND Đặng Nhật Minh đã từng đề nghị nhà nước đầu tư chấn hưng điện ảnh Việt Nam trước nguy cơ sắp tan rã. Ông nói : “Có một thời những người phụ trách ngành điện ảnh đã chủ trương làm phim video, chiếu phim video là chiến lược của điện ảnh VN, từ bỏ hẳn việc sản xuất và chiếu phim nhựa. Hàng loạt phim Video được ồ ạt sản xuất, hàng loạt các rạp chiếu phim nhựa trong toàn quốc biến thành những tụ điểm chiếu phim video với những màn hình cỡ lớn. Đó là một sai lầm tai hại bởi điện ảnh của một quốc gia nào cũng lấy phim nhựa làm gốc. Vì thế, trước Quốc hội, tôi đã nhiều lần đề nghị xin nhà nước đầu tư cho công cuộc “Chấn hưng điện ảnh” có nghĩa là phục hồi lại việc sản xuất và chiếu phim nhựa. Từ đề nghị trên, trung tâm chiếu phim Quốc gia được xây dựng, nhiều rạp chiếu phim nhựa được phục hồi, phim nhựa được tiếp tục sản xuất… Nhưng cũng từ chương trình chấn hưng điện ảnh đó, người ta đã không cân nhắc kỹ, quyết định xây dựng một Trung tâm kỹ thuật Điện ảnh VN hoành tráng, hiện đại. Việc làm đó đã ngốn không biết bao nhiêu tiền, nếu tính theo mệnh giá bây giờ, có thể lên đến hàng trăm tỷ. Nhưng xây xong, trung tâm “đắp chiếu” nằm đó. Không ai sử dụng nó. Hầu hết các phim VN đều đưa sang Bangkok làm hậu kỳ. Đấy là chưa kể 56 bộ máy chiếu phim nhựa mua về trang bị cho 56 tỉnh thành mà đa số nằm đắp chiếu ở các tỉnh, 3 cỗ máy làm kỹ xảo hết sức đắt tiền nhập về, chưa một lần làm được một kỹ xảo nào trong phim dù đơn giản nhất, một trường quay Cổ loa xây dựng kéo dài hơn ba chục năm chưa xong mà khi xong chưa chắc đã khai thác được 1/10 công xuất. Tốn kém lãng phí không biết bao nhiêu tiền của của Nhà nước”- NSND Đặng Nhật Minh cho biết.

Theo NSND Đặng Nhật Minh, điện ảnh Việt đã trải qua nhiều cuộc cải tổ, nhiều cuộc chấn hưng, nhưng hầu hết những cuộc cải tổ được to tát ấy hầu như không mang lại được kết quả mong đợi, mà lãng phí thì “cực kỳ lớn” (từ dùng để khẳng định của đạo diễn).

“Một chủ trương sai lầm phải trả giá bằng rất nhiều thời gian công sức và tiền của ”

Câu chuyện về Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh VN được lấy ra làm ví dụ điển hình cho sự lãng phí của điện ảnh Việt Nam trên hành trình cải tổ. Khi ký quyết định đầu tư xây dựng trung tâm này, ngành điện ảnh đặt ra rất nhiều kỳ vọng, rằng đây sẽ là trung tâm in tráng phim hiện đại nhất Đông Nam Á. Rằng, điện ảnh các nước trong khu vực cũng sẽ đến đây in tráng, rằng phim trong nước in tráng ở đây sẽ rẻ và tốt hơn nhiều..

Và thế là Nhà nước đổ tiền đổ của đầu tư xây dựng trung tâm, mua sắm trang thiết bị hiện đại, chỉ tiếc, sau khi đầu tư xong xuôi lại không có nhân lực biết sử dụng! Vậy là trung tâm “hàng đầu Đông Nam Á” nằm đắp chiếu suốt nhiều năm ròng. Phim Việt nam từ lâu nay quay xong đều đem sang BangKok làm hậu kỳ Nhà nước lại tốn thêm một lần nữa tiền trả cho các Trung tâm kỹ thuật bên Thái!.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Nguyên nhân của sự lãng phí “cực kỳ lớn” này, theo NSND Đặng Nhật Minh: “Là do những người có trách nhiệm với ngành đã đề ra những dự án viển vông, thiếu thực tế cho điện ảnh. Sự thiếu hiếu hiểu biết đó đã dẫn đến những lãng phí cực lớn . Một anh kế toán làm thất thoát của Cục Điện ảnh 42 tỷ đồng đã khiến dư luận ầm ĩ. Những “thất thoát” lãng phí trong đầu tư cho ngành điện ảnh trong những năm qua, còn gấp trăm lần hơn.”.

Đạo diễn của “Thương nhớ đồng quê” khẳng định, điện ảnh là một ngành đặc thù, việc đầu tư, chi tiêu cho điện ảnh là những khoản tiền không lồ. Bởi vậy, “Mỗi chủ trương sai lầm trong ngành Điện ảnh phải trả giá bằng rất nhiều thời gian công sức và tiền của. Và như thế, sự lãng phí là vô cùng. Nghiêm trọng hơn nữa, những sự lãng phí ấy lại không có ai chịu trách nhiệm, không có ai rút kinh nghiệm trước khi bắt tay vào lập một dự án mới”- NSND Đặng Nhật Minh nói : “. Vì “những điều trông thấy” ấy, ông không khỏi hoài nghi về tính khả thi của đề án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” này .

Và đạo diễn có lý do để hoài nghi.

“Tiền thu được từ thị trường phim Việt đang vào túi ai ? ”

Theo con số thống kê gần nhất, doanh thu từ thị trường phim ở VN tăng lên hằng năm. Nếu như năm 2000, thị trường phim chỉ đạt 2 triệu USD, năm 2012 con số này đã là 47 triệu USD và dự kiến đến năm 2013 là trên 50 triệu USD. Theo nhiều ý kiến nhìn nhận, Việt Nam hiện nay là thị trường béo bở cho việc kinh doanh phim ảnh , chủ yếu là phim nhập ngoại. Nhìn bề ngoài, bức tranh điện ảnh rất sôi động, nhưng theo đánh giá của đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh, số tiền thu về từ chiếu bóng đa số đổ vào túi tiền của các tập đoàn phát hành phim nước ngoài có mặt ở Việt Nam là chính, cùng một số công ty tư nhân của VN có rạp trong tay.
“Nhà nước, có nghĩa là điện ảnh dân tộc, không có lợi gì trong cách quản lý thị trường phim ảnh như hiện nay. Chỉ có các tập đoàn phát hành phim có trong tay các rạp chiếu phim và do đó được độc quyền nhập phim là hưởng lợi. Nếu không biết cách quản lý thị trường này, điện ảnh dân tộc sẽ còn chịu thiệt thòi hơn nữa”- đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định.

(Còn nữa)

Theo Hiền Hương (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới