Điều chỉnh quy hoạch, tăng hiệu quả sử dụng đất

LTS: Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCMđã đăng tải ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo sở, ngành… góp ý giải pháp liên quan đến công tác quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng xây dựng trái phép ở TP.HCM.

Chúng tôi giới thiệu tiếp ý kiến của một số lãnh đạo quận, huyện… góp phần cùng với TP tháo gỡ và giải quyết vấn đề này.

Ông TRẦN PHÚ LỮ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh:

Rà soát quy hoạch, khôi phục quyền lợi người dân

Huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, dân số trên 700.000 người, mỗi năm tăng 30.000 người nên nhu cầu nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện có tới 140 dự án chậm triển khai, các đồ án quy hoạch các khu để phát triển nhà ở có nhưng thiếu nguồn lực đầu tư để hình thành những khu đảm bảo các điều kiện hạ tầng.

Cùng với đó, các đồ án quy hoạch đô thị đã hạn chế quyền của người dân trong việc chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) để xây dựng nhà ở hợp pháp. Diện tích đất phân bổ trong kế hoạch SDĐ hằng năm của huyện gần như không theo kịp nhu cầu của người dân. Chẳng hạn ở hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, trong năm năm qua, diện tích đất TP giao để cho người dân được phép chuyển mục đích SDĐ từ đất nông nghiệp sang đất ở chỉ khoảng 50 ha/xã. Trong khi nếu tính theo hạn mức đất ở và số dân hiện tại thì nhu cầu đất ở là trên 240 ha/xã.

Thêm vào đó, Bình Chánh lại được UBND TP phân bổ giao thêm trên 1.200 ha đất nông nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là sẽ giảm diện tích đất ở tương đương 1.200 ha. Huyện nhận thấy đây cũng là cái khó để dân chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở nên huyện không có cơ sở để giải quyết. Đó cũng là nguyên nhân xảy ra tình trạng phân lô đất nông nghiệp trái phép trong thời gian qua.

Huyện đang phối hợp với Sở QH-KT rà soát các đồ án quy hoạch chi tiết, thêm vào đó huyện cũng rà soát quy hoạch SDĐ. Với các đồ án không còn khả thi, không còn phù hợp nữa thì trên cơ sở đó khôi phục quyền lợi của người dân trong quy hoạch. Các dự án chậm triển khai, kéo dài lâu nhưng chủ đầu tư không có năng lực, ảnh hưởng đến quyền lợi của dân, huyện sẽ phối hợp với Sở TN&MT thu hồi.

Huyện cũng đang kêu gọi đầu tư dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội để tạo quỹ nhà cho người thu nhập thấp. Đồng thời, đề xuất TP cho phép đất nông nghiệp trong khu dân cư xây mới chưa có quyết định thu hồi đất được phép chuyển mục đích SDĐ, tạo lập nhà ở.

Người dân trong khu đô thị cảng Hiệp Phước, Nhà Bè khốn khổ vì quyền lợi nhà đất bị ảnh hưởng bởi quy hoạch treo. Ảnh: VIỆT HOA

Một lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn:

Chuyển đổi mục đích để tăng hiệu quả sử dụng đất

Hiện nay tỉ lệ đất nông nghiệp ở huyện Hóc Môn chiếm 50% tổng diện tích toàn huyện. Tuy nhiên, giá trị mà đất nông nghiệp mang lại chỉ chiếm tỉ trọng trên dưới 3% trong cơ cấu kinh tế.

Theo định hướng đến năm 2025-2030 thì tỉ trọng này chỉ còn trên dưới 1% nhưng tỉ lệ đất nông nghiệp không thay đổi. Nếu không có sự điều chỉnh quy hoạch SDĐ thì rất khó để SDĐ hiệu quả.

Nhiều khu vực quy hoạch là đất nông nghiệp nhưng hiện trạng không còn sản xuất nông nghiệp, điều này dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng như hiện nay, tuy nhiên cũng không loại trừ yếu tố quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn còn nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, nếu được chuyển đổi sang hình thức nông nghiệp công nghệ cao, người dân có thể chuyển đổi mục đích SDĐ để xây dựng các công trình phục vụ cho việc sản xuất này, chắc chắn sẽ SDĐ hiệu quả hơn.

Một lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè:

Quy hoạch treo là tiềm ẩn của vi phạm xây dựng

Quy hoạch kéo dài, không thực hiện là một trong những tiềm ẩn để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép.

Tại huyện Nhà Bè, quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước có từ lâu nhưng vẫn chưa thể triển khai đã gây bức xúc lớn đối với người dân. Khu đô thị có quy mô hơn 1.354 ha nhưng hiện mới có quy hoạch chung tỉ lệ 1/5.000 và đang trong quá trình làm đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/2.000.

Dù quy hoạch đã có từ lâu nhưng Nhà nước vẫn chưa xác định được nguồn lực, vốn, cơ chế… để thực hiện khu đô thị cảng nên việc tổ chức thực hiện quy hoạch này gần như chưa có lối ra.

Ngoài ra, độ vênh giữa quy hoạch đô thị và kế hoạch SDĐ được duyệt hằng năm cũng là một vấn đề. Nhu cầu chuyển mục đích SDĐ của người dân là rất lớn, trong khi giao chỉ tiêu chuyển sang đất ở cho mỗi địa phương lại có khoảng cách rất xa so với nhu cầu thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm