Tình trạng xây dựng trái phép đã gây bức xúc trong dư luận trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay câu chuyện này vẫn là một trong những điểm nóng của TP.HCM, đặc biệt là tại các quận, huyện vùng ven và ngoại thành đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Có nhiều giải pháp để xử lý tình trạng này, trong đó giải pháp liên quan đến vấn đề lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch cần được xem xét kỹ lưỡng.
Dưới đây Pháp Luật TP.HCM giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, sở, ngành… về giải pháp này.
Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Bí thư Quận ủy quận 3 (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng):
Cần mạnh dạn thay đổi cách làm quy hoạch
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép là những bất cập trong quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch trong thời gian qua.
Lâu nay chúng ta vẫn làm quy hoạch xây dựng trước khi làm quy hoạch sử dụng đất, trong khi đúng ra phải làm ngược lại. Có nhiều trường hợp làm quy hoạch xây dựng xong, áp lên quy hoạch sử dụng đất là rất khiên cưỡng. Khi làm quy hoạch xây dựng xong nhưng chưa cân đối được nguồn lực để thực hiện nên phải ngồi chờ nhà đầu tư tới làm dự án. Dự án làm tới đâu thì hạ tầng tới đó như một vết dầu loang đã làm cho quy hoạch xây dựng bị phá vỡ, trở nên manh mún. Do đó cần mạnh dạn thay đổi cách làm quy hoạch thì mới có sự đột phá trong vấn đề quản lý xây dựng, quy hoạch đô thị.
Có thể lấy ví dụ điển hình như ở huyện Bình Chánh hiện có 25.000 ha và chỉ tiêu quy hoạch đất nông nghiệp là 10.000 ha, trong đó có 2.000 ha lúa nước. Thực tế, nhiều nơi quy hoạch là nông nghiệp nhưng không còn sản xuất hoặc không thể sản xuất nông nghiệp do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp, cơ cấu dân cư, lao động đã thay đổi.... Tuy nhiên, khi làm quy hoạch thì huyện này vẫn phải “chấm” là đất nông nghiệp. Nếu làm không đủ thì không được phê duyệt.
Có lẽ đã đến lúc cần phải mạnh dạn bỏ tư duy làm quy hoạch theo kiểu hành chính như thế.
KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:
Buộc nhà đầu tư phải làm cầu, đường trước
Hiện nay, cách làm quy hoạch ở nước ta đã lạc hậu với tư duy phủ kín quy hoạch 1/2000 hay 1/5000. Trong khi đó, các nước trên thế giới họ quản lý theo quy hoạch sử dụng đất. Thứ hai là dựa vào năng lực hạ tầng để cấp giấy phép xây dựng. Hạ tầng kham được bao nhiêu thì cấp giấy phép xây dựng bấy nhiêu với các chỉ tiêu và thông số rất cụ thể.
Nhà đầu tư muốn vào làm dự án thì phải nâng cao năng lực hạ tầng, phải có kế hoạch đầu tư vào hạ tầng bằng nguồn tiền của chính mình. Chi phí đầu tư vào hạ tầng của nhà đầu tư sẽ được tính vào giá thành sản phẩm. Khi hạ tầng được đầu tư thì người dân, Nhà nước đều được hưởng lợi.
Trong khi đó, ở mình khi có đất, Nhà nước làm quy hoạch. Sau đó tư nhân nhảy vào làm dự án mà không phải làm hạ tầng. Khi nhà đã mọc lên rồi thì Nhà nước mới tính chuyện mở đường, xây cầu, làm hạ tầng. Nhiều nơi Nhà nước không có tiền làm hạ tầng nên người dân sống trong khu vực có nhà nhưng thiếu hạ tầng, dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập nước… Như vậy, người dân thiệt, Nhà nước cũng thiệt.
Tóm lại, cách làm quy hoạch như hiện nay: Nhà nước vạch ra quy hoạch, kế hoạch, hạ tầng Nhà nước lo và làm, chủ đầu tư chỉ việc xây dựng, dân chỉ việc vào ở là không hợp lý.
Từ đây, Luật Quy hoạch cần phải tiếp cận theo quy luật thị trường. Mọi thứ đều phải quy ra tiền, Nhà nước chỉ làm quy hoạch sử dụng đất thôi. Nhà đầu tư vào xây dựng thì phải làm hết, bao gồm hạ tầng, giá thành sẽ được quy vào căn hộ, khu dân cư. Như vậy, người dân, chủ đầu tư đều phải đóng góp tiền để làm hạ tầng. Muốn thay đổi được điều này thì theo tôi phải thay đổi từ luật, từ tư duy làm quy hoạch như đã phân tích ở trên.
Một công trình xây dựng không phép ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức trước đây (nay đã bị tháo dỡ). Ảnh: VIỆT HOA
Ông NGUYỄN THANH TOÀN, nguyên Phó Giám đốc Sở QH-KT:
Cần chấn chỉnh kế hoạch sử dụng quỹ đất
Toàn TP hiện có hơn 600 đồ án quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2000 nên việc phối hợp giữa Sở QH-KT với các quận, huyện rà quy hoạch phải là công việc thường xuyên. Vì hiện nay, trên địa bàn TP còn tình trạng quy hoạch, dự án treo kéo dài hàng chục năm chưa thực hiện với quy mô lớn như khu đô thị Sing Việt, nhiều khu quy hoạch tại khu đô thị Nam TP, Bình Quới - Thanh Đa, ĐH Hưng Long… Chính sách nhà đất trong khu vực quy hoạch này còn gây thiệt thòi cho người dân, trong khi Nhà nước chưa thể trả lời chính xác được lộ trình, kế hoạch, thời gian cũng như nguồn lực thực hiện.
Theo quy định, TP phải lập chương trình phát triển đô thị, từ đó mới xác định được khu vực phát triển đô thị. Đồng thời, xác định được nguồn lực từ đâu, khi nào làm, ngân sách hay xã hội hóa mời gọi đầu tư, dự án nào ưu tiên để công bố cho dân.
Tuy nhiên, do đang trong thời gian chờ điều chỉnh quy hoạch chung của TP nên TP đã xin Bộ Xây dựng tạm ngưng lập chương trình phát triển đô thị. Bởi muốn lập chương trình phát triển đô thị thì phải dựa trên quy hoạch chung của TP.
Một vấn đề khác dễ dẫn đến tình trạng xây dựng không phép mà khi làm việc với các địa phương, tôi nhận thấy là hiện nay giữa quy hoạch xây dựng đô thị và kế hoạch sử dụng đất đang có độ vênh nhau rất lớn. Hằng năm, các quận, huyện đều được duyệt kế hoạch sử dụng đất với một chỉ tiêu nhất định và người dân muốn được chuyển mục đích sử dụng đất thì phải đăng ký cả năm mới được đưa vào kế hoạch sử dụng đất.
Rất nhiều khu vực quy hoạch là đô thị nhưng người dân vẫn không thể xin chuyển mục đích sử dụng đất mà vẫn là đất nông nghiệp. Lý do là không có trong kế hoạch sử dụng đất do đã hết chỉ tiêu.
Chẳng hạn, ở Bình Chánh mỗi năm chỉ được duyệt chuyển sang đất ở 300 ha thôi trong khi nhu cầu của người dân là 1.000 ha. Như vậy, dù quy hoạch là đất ở nhưng người dân cũng không thể chuyển mục đích sử dụng đất được. Đa số người dân xây dựng không phép là xây dựng trên 700 ha đó.
Giải pháp tới đây theo tôi, cùng với việc đẩy mạnh chất lượng làm quy hoạch, phải xác định cho được nguồn lực, thời gian tổ chức thực hiện quy hoạch. Đặc biệt là cần phải chấn chỉnh lại kế hoạch sử dụng đất để có sự đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất. Như thế sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm xây dựng như hiện nay.