Giá vàng SJC hôm nay 30-5 đã thực sự biến động nhanh đến bất ngờ sau động thái mới của Ngân hàng Nhà nước.
Còn nhớ từ khi khởi đầu đấu thầu vàng SJC của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 4 vừa qua, giá vàng SJC liên tục phá vỡ các mức cao kỷ lục. Đỉnh điểm nhất là ngày 10-5, giá vàng SJC vượt mốc 92 triệu đồng/lượng.
Đến ngày 29-5, giá vàng SJC vẫn giữ vững mốc 90,80 triệu đồng/lượng.
Nhưng sau khi, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố dừng đấu thầu và chuyển sang hình thức mới uỷ quyền cho 4 ngân hàng thương mại bán vàng trực tiếp cho người dân, không còn thông qua các đơn vị kinh doanh vàng, thì giá vàng SJC hôm nay rớt thẳng xuống vùng giá 87 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước là nhà cung cấp độc quyền và duy nhất vàng SJC trên thị trường. Do đó, khi tổ chức này tuyên bố bán vàng SJC với mức giá nhằm đảm bảo kéo chênh lệch giá vàng thế giới, giá vàng SJC chắc chắn phải giảm.
Vì các đơn vị kinh doanh vàng không thể đủ nguồn lực để cạnh tranh với Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, giới đầu cơ nắm giữ vàng thấy nguy cơ thua lỗ đang xả mạnh vàng ra thị trường lúc này đã dẫn đến giá vàng SJC lao dốc rất mạnh.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng không có lý do nào mua vàng SJC giá cao ngoài thị trường nếu ngân hàng thương mại bán giá thấp hơn. Không có lực cầu thì đơn vị kinh doanh vàng cũng không thể đẩy giá vàng SJC.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ mới đưa ra thông điệp, mà chưa có hành động cụ thể, giá vàng SJC đã giảm.
Điều này cũng cho thấy, việc trao quá nhiều quyền lực độc quyền cho các đơn vị kinh doanh vàng thông qua Nghị định 24/2012, đã tác động nhất định đến thị trường vàng, bên cạnh các yếu tố giá vàng quốc tế, tâm lý, tỉ giá, lạm phát...
PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên đấu thầu nhằm mục tiêu ổn định thị trường và giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới.
Tuy nhiên, khi quyền lực điều chỉnh giá nằm trong tay các đơn vị kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu này. Các đơn vị này có thể giữ giá cao để bảo vệ lợi nhuận, dù nguồn cung vàng được tăng cường từ Ngân hàng Nhà nước.
“Quyền lực độc quyền của các đơn vị kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012 đang là một thách thức lớn đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định thị trường vàng.
Để khắc phục vấn đề này, cần có sự điều chỉnh chính sách và tăng cường giám sát nhằm tạo ra một thị trường minh bạch và công bằng hơn, giúp Ngân hàng Nhà nước đạt được mục tiêu ổn định giá vàng trong nước” – vị chuyên gia Đại học RMIT khuyến nghị.