Tại tứ kết Cúp Quốc gia, HA Gia Lai thua Quảng Nam ở loạt luân lưu. Bốn ngày sau, hai đội tái đấu tại Pleiku trong khuôn khổ vòng 14 V-League, họ lại lấm lưng.
Chiều 13-7, lượt trận 15 ra sân Cửa Ông làm khách, HA Gia Lai tiếp tục thua trắng Than Quảng Ninh 0-3. Điều gì đang xảy ra với cựu vương V-League này?
Ông thầy Hàn Lee Tae-hoon tiếp quản ghế HLV trưởng từ ông Dương Minh Ninh ở giữa lượt đi, sức bật HA Gia Lai lóe lên tí chút rồi lại… tắt. Một đội bóng sở hữu nhiều hảo thủ trong các đội tuyển quốc gia từ tiền đạo đến tiền vệ như Văn Toàn, Hồng Duy, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Minh Vương, Triệu Việt Hưng, Lê Thanh Sơn nhưng bế tắc trong cách chơi, cụ thể là khâu ghi bàn.
Hàng phòng ngự HA Gia Lai chưa bao giờ là điểm tựa vững chắc cho các tuyến trên. Cùng với đó, hàng phòng ngự kém đã đẩy Sietsma nhiều lần đối mặt với các chân sút đối phương biến anh như kẻ mới học việc.
Tiền đạo Văn Toàn chưa đủ sức gánh vác đội bóng phố núi. Ảnh: NGỌC DUNG
Kể từ lứa học viện khóa 1 xuống núi làm trụ cột đá V- League, HA Gia Lai chưa bao giờ có hàng phòng ngự vững chãi. Tất cả đội khác đá V-League, ngoại binh là đầu tàu trong khâu ghi bàn nhưng Chevaugh Walsh “lúc ẩn, lúc hiện” không có chỉ số tin tưởng cao.
Walsh ra đi và thay vào là Felipe Dos Santos cũng chỉ là một bản sao mà thôi. Việc ghi bàn của HA Gia Lai vẫn trông chờ vào các tiền đạo nội như Văn Toàn, hay tuyến dưới của Việt Hưng, Minh Vương. Điều này là rất khó khăn. Thực tế chân sút nội của hầu như các đội V-League cần có “Tây” để làm tường, để chia sẻ và thu hút nhưng HA Gia Lai chưa thấy có điểm tựa này.
HA Gia Lai thời mới lên V-League vô địch liền hai năm (2003 và 2004) và là đội hình “dream team” cân bằng trong tấn công và phòng ngự. Không khó kể ra những trung vệ giỏi thời đó như tuyển thủ Thái Lan Chukiat, Mạnh Dũng, Quang Trải, Duy Quang, Lương Trung Tuấn, cùng với đó là các tiền vệ giỏi như Hữu Đang, Sakda, Phi Hùng, Tawan…
Bây giờ hàng phòng ngự HA Gia Lai có mua Hoàng Lâm sở hữu thể hình đẹp nhưng lai lịch chấn thương liên tục không phải là chỗ dựa. Trung vệ Kim Boon-jin cũng nhạt nhòa và không phải mẫu hậu vệ thủ lĩnh, chỉ huy phòng ngự tốt. Trong khung thành là thủ môn người Hà Lan Sietsma không xuất sắc. Đấy có lẽ là bài toán nan giải trong tổ chức phòng ngự và tính ăn ý.
Các cầu thủ tấn công của HA Gia Lai khoác áo tuyển có lối chơi lại quá quen thuộc với hàng phòng ngự của các đội nên yếu tố gây đột biến của họ không cao. Sự trông chờ vào “chất ngoại” ở tuyến trên gần như không có.
Những trận HA Gia Lai thua luôn cho thấy một hàng thủ rất yếu, tổ chức bọc lót cho nhau kém, tuyến giữa ít can thiệp, tham gia phòng ngự, đánh chặn từ xa cũng không có.
Nếu không kịp thời chấn chỉnh, đội bóng của bầu Đức sẽ còn tuột dốc.
Trận thua mới nhất của HA Gia Lai là chiều 13-7, kéo dài chuỗi trận không biết thắng lên con số sáu. Chủ nhà Than Quảng Ninh đã sút xa tung tóe, bóng bật cột, dội xà văng ra nhưng khả năng ứng chiến của hậu vệ HA Gia Lai kém, để đối phương mặc sức bắn phá cầu môn Sietsma. Khi bị vây hãm và lọt lưới dễ dàng khiến cho hàng công mất lửa. Ngược lại, HA Gia Lai có cơ hội mười mươi thì các chân sút lại bỏ lỡ. Sau lượt trận 15, HA Gia Lai đứng áp chót bảng, chỉ hơn Sanna Khánh Hòa 5 điểm. |