Sáng 20-5, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, Ủy ban Kinh tế đã trình bày báo cáo thẩm tra.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo báo cáo của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ sáng 20-5. Ảnh: QH
Tuy vậy, có nhiều vấn đề nổi lên như số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao; một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, các giải pháp về bảo vệ môi trường chưa hiệu quả; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn việc triển khai Luật Quy hoạch, tiến độ lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; triển khai thu phí tự động không dừng không bảo đảm tiến độ.
Sau khi đánh giá tích cực về việc phòng, chống COVID-19 và những tác động của dịch bệnh này, Ủy ban Kinh tế đã đề cập đến các vấn đề nổi lên trong bốn tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý là việc thu NSNN trong bốn tháng đầu năm 2020 giảm khi nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng với các biện pháp ưu đãi về thuế. Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.
Về xuất khẩu, Ủy ban Kinh tế sau khi đề cập tới sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ cho rằng nông nghiệp được mùa, được giá, đời sống người nông dân được cải thiện; bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo đạt mức cao. Tuy vậy, về xuất khẩu gạo, Ủy ban Kinh tế nhận định rằng: “Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội”.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương; tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy; hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc; việc tính toán giá điện trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh.
Ủy ban Kinh tế cũng nêu tình hình chặt phá rừng ở Tây Nguyên thời gian gần đây diễn ra phức tạp. Một số án giết người nghiêm trọng đã xảy ra. Một số vụ việc liên quan đến bảo kê, băng nhóm gây bức xúc trong dư luận xã hội cũng được nói đến.
“Có ý kiến đề nghị đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông” - Ủy ban Kinh tế nêu.
Trong những nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2020, Ủy ban Kinh tế nói Chính phủ cần phải chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020. Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.
Sau khi đề nghị các cơ quan nhà nước tiết giảm mạnh chi thường xuyên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị các chính sách kích thích sản xuất, khắc phục hậu quả COVID-19 phải đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Các chính sách để khôi phục sản xuất, xử lý các điểm nghẽn về thể chế cũng được đề cập.
Ủy ban Kinh tế dành một phần để nói tới các giải pháp cho nông nghiệp, trong đó đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tái đàn heo trong nước, tạo thuận lợi để doanh nghiệp nhập khẩu lượng thịt heo hợp lý, cân bằng cung cầu trong nước. Đồng thời, rà soát, đánh giá cân đối nhu cầu dự trữ đối với các mặt hàng thiết yếu (nhất là lúa gạo) để tranh thủ cơ hội cạnh tranh, nhu cầu và giá xuất khẩu tăng cao. Sau khi đề cập đến các giải pháp về giáo dục, y tế, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tổ chức cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm có tổ chức kiểu “xã hội đen”, giết người, tội phạm về ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản… nhằm bảo đảm an ninh trật tự. “Bảo đảm công tác an ninh trật tự phục vụ tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp” - Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh. "Cần khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới" - Ủy ban Kinh tế đề nghị. |