Một tháng trước, do tai nạn giao thông, cha tôi đột ngột qua đời. Trước khi mất cha tôi có nói miệng phân chia tài sản cho ba chị em tôi. Sự việc này được trưởng ấp và trưởng công an xã chứng kiến. Tuy nhiên, do tang sự nên di chúc miệng của cha tôi không được ghi chép lại. Nay, các em tôi không đồng ý việc phân chia tài sản theo di nguyện của cha nên đã làm đơn yêu cầu tòa án phân chia di sản. Vậy xin hỏi, trong trường hợp này di chúc miệng của cha tôi có hiệu lực không?
Bạn đọc Nguyễn Thị Ngọc Thi (Củ Chi, TP.HCM).
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Di chúc có thể được lập bằng văn bản, nếu không lập được di chúc văn bản thì có thể di chúc miệng. Tuy nhiên, di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định.
Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Vậy, việc lập di chúc miệng phải trong trường hợp thực sự cấp thiết do bị bệnh tật hay các nguyên nhân khác mà không thể lập được di chúc bằng văn bản.
Thứ hai, khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người thực hiện di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người thực hiện di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Trong trường hợp của chị Thi, di chúc miệng cho cha chị để lại đã không được ghi ghép thành văn bản, cũng như công chứng hoặc chứng thực trong thời hạn năm ngày để từ ngày cha chị thể hiện ý chí cuối cùng. Vì vậy, di chúc miệng trên không hợp pháp.
Do đó, di sản do cha chị để lại sẽ được phân chia theo pháp luật cho các cá nhân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha chị Thi, gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.