Trước đó, vụ án đã được đưa ra xét xử vào ngày 28-6 nhưng hoãn xử theo yêu cầu của luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo do LS có việc bận. Phiên tòa mở lại vào ngày 17-7 nhưng tiếp tục hoãn xử để triệu tập giám định viên và tống đạt quyết định hoãn xử ngày 28-6 cho bị cáo.
Bị cáo Sáng cho rằng bản án sơ thẩm mờ, không đọc được. Ảnh: YC
Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay vẫn vắng mặt giám định viên. Ba LS bào chữa cho bị cáo Sáng đề nghị HĐXX phải triệu tập cả giám định viên và điều tra viên cũng như người liên quan, người làm chứng để làm rõ sự thật khách quan vụ án. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng các đối tượng trên đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, quá trình xét xử HĐXX sẽ công bố lời khai.
Tại tòa, bị cáo Sáng một mực kêu oan. Bị cáo Sáng cho rằng mình không mua chung đất và không chỉ đạo hủy hoại rừng như cáo trạng quy kết; bị cáo bị trù dập, thậm chí cả bản án sơ thẩm bị cáo nhận được cũng mờ đến nỗi không đọc được; người liên quan, người làm chứng trong vụ án bị sức ép nên khai không đúng sự thật...
Người liên quan là Trần Văn Tuân (do Tuân không kháng cáo và đã chấp hành xong hình phạt) và Nguyễn Văn Dậu đều xác định làm theo chỉ đạo của Sáng chặt phát rừng. Tuy nhiên, họ chỉ chặt phát các dây leo và cây có đường kính từ 10 cm trở xuống, đối với những cây lớn hơn thì không chặt.
Tại tòa, VKS cho rằng cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội hủy hoại rừng là đúng người đúng tội, mức hình phạt là tương xứng. Tuy nhiên, họ chỉ chặt cây có đường kính từ 10 cm trở xuống nhưng cơ quan điều tra trưng cầu giám định toàn bộ thiệt hại là không phù hợp. Từ đó, VKS đề nghị hủy một phần bản án về phần trách nhiệm dân sự.
Các LS bào chữa cho bị cáo Sáng cho rằng Sáng vô tội. Các LS cho rằng thời điểm tháng 3-2015, khu đất trên là đất trống có cây gỗ tái sinh nên không có việc chặt phá rừng; theo cáo trạng thì hành vi chặt phá rừng xảy ra vào tháng 3-2015 nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường lập sau hai năm (tháng 3-2017) là không khách quan; chứng cứ còn nhiều mâu thuẫn…
HĐXX nhận định các chứng cứ còn mâu thuẫn với nhau, chưa làm rõ được tại thời điểm tháng 3-2015, tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 hiện trạng rừng là gì, là đất trống có cây gỗ tái sinh hay rừng sản xuất.
Mặt khác, tại quyết định trưng cầu giám định, giám định toàn bộ thiệt hại 8.404 m2 rừng không phù hợp với kết quả điều tra.
Từ đó, HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm về phần thiệt hại, về trách nhiệm dân sự, giao về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.
Tóm tắt vụ án Theo hồ sơ, Sáng rủ Tuân chung tiền mua đất thuộc xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697). Do trên đất còn có cây rừng rậm rạp nên Sáng và Tuân đã thuê anh Dậu và chị Bùi Thị Hà chặt phá rừng tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 (do UBND huyện Đắk Glong quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk Ha). Trong khoảng hai tháng, Tuân cùng Dậu, Hà đã dùng dao phát để chặt cây bụi, cây thân leo, cây gỗ từ 10 cm trở xuống rồi gom lại thành đống để đốt thì làm cháy lan sang những cây gỗ có đường kính từ 10 cm trở lên khiến những cây này bị chết khô... Sau đó hành vi của Sáng và Tuân bị phát hiện, bị khởi tố để điều tra. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, tổng diện tích rừng Tuân và Sáng đã hủy hoại là 8.404 m2... Tháng 11-2017, VKSND huyện Đắk Glong có cáo trạng truy tố Sáng và Tuân về tội hủy hoại rừng theo khoản 1 Điều 189 BLHS 1999. Ngoài ra, VKS còn truy tố Tuân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 139 BLHS 1999 (do có hành vi nói dối rồi nhận 20 triệu đồng tiền mua đất của hai người khác). Tại phiên xử sơ thẩm của TAND huyện Đắk Glong hồi tháng 4-2018, bị cáo Sáng kêu oan, không thừa nhận hành vi hủy hoại rừng. Tuy nhiên, HĐXX bác lời kêu oan của bị cáo, phạt bị cáo chín tháng tù về tội hủy hoại rừng; Tuân bảy tháng tù về tội hủy hoại rừng, sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung là một năm một tháng tù. |