Viết tâm thư vì hết cách
Bức thư của Sơn có đoạn: “Gia đình cháu rất nghèo, bố cháu dựng một cái lán bằng tôn với diện tích 12 m2 trên đường Lê Văn Lương kéo dài vừa làm chỗ vá xe ô tô vừa làm chỗ ở của gia đình cháu gồm bố, mẹ và hai anh em cháu”.
Về nguyên nhân bị đình chỉ học, trong thư Sơn kể lại từ năm học lớp 8 do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình em phải chuyển lên Hà Nội sinh sống. Sơn học cấp 2 tại Trường THCS Nguyễn Trãi, đến lớp 10 thì đăng ký thi vào Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội. Trong kỳ thi đó, Sơn được 50 điểm trong khi điểm tuyển đầu vào của trường là 45 điểm. Đến năm lớp 11, vì lý do gia đình không có hộ khẩu ở Hà Nội nên Sơn đã nhiều lần bị nhà trường đình chỉ học.
Em Đỗ Hồng Sơn cầm trên tay thông báo về việc đình chỉ học được ký ngày 13-1-2014. Ảnh: V.THỊNH
Tìm đến xưởng sửa chữa ô tô, cũng là nơi cả gia đình bốn người nhà Sơn sinh sống, với vẻ mặt buồn rầu, Sơn chia sẻ: “Các cô bảo em không có hộ khẩu thì phải chuyển ra trường dân lập học nhưng như thế thì em phải nghỉ học vì gia đình không có tiền. Mà muốn học tiếp thì phải có hộ khẩu nên bố em bảo phải viết thư để Chủ tịch nước và mọi người biết hoàn cảnh của mình”.
Anh Đỗ Văn Tuyên - bố của Sơn cho biết thêm thấy con ở nhà suốt ngày buồn bã, gia đình cũng lo làm hộ khẩu cho cháu nhưng không được, hết cách nên mới bảo cháu viết thư gửi khắp nơi. Ngoài lá thư gửi tới Chủ tịch nước (đã được cộng đồng mạng chia sẻ), gia đình Sơn còn gửi nhiều bức thư khác đến nhiều cơ quan, ban ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Khi được hỏi điều gì khiến gia đình chưa hài lòng ở quyết định của trường, anh Tuyên bức xúc: “Ngay từ đầu trường nhận cháu vào học gia đình tôi cũng trình bày hoàn cảnh như thế rồi, cũng cố gắng làm mọi cách để cháu có hộ khẩu Hà Nội nhưng vì nhiều quy định cứ thay đổi nên chúng tôi chậm trễ. Chúng tôi có sai, nhà trường cũng có sai… nhưng không vì thế mà buộc con chúng tôi phải thất học”.
Nhà trường nhận sai vì linh động
Tiếp xúc với báo chí chiều 19-2, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, khẳng định việc đình chỉ học đối với Sơn là đúng quy định. “Chúng tôi đã tạo điều kiện cho gia đình làm việc này ngay từ khi cháu nhập học. Lúc đó gia đình cũng đã viết cam kết sẽ hoàn thành việc nhập hộ khẩu cho Sơn nhưng qua ba lần cam kết, gia đình vẫn chưa nhập hộ khẩu Hà Nội được cho em, vì vậy chúng tôi buộc phải đình chỉ học” - bà Phương nói.
Bức tâm thư của học sinh Đỗ Hồng Sơn gửi Chủ tịch nước.
Khi được hỏi tại sao theo quy định học sinh phải có hộ khẩu Hà Nội thì hồ sơ nhập học mới hợp lệ nhưng nhà trường vẫn tiếp nhận học sinh, bà Phương thừa nhận đây đúng là sơ suất của nhà trường. Do thông cảm cho hoàn cảnh gia đình của em Sơn, phụ huynh cũng có cam kết với nhà trường nên nhà trường linh động. Nếu trường dứt khoát ngay từ đầu thì gia đình cũng có hướng giải quyết. Đánh giá về học sinh Đỗ Hồng Sơn, bà Phương cho biết Sơn là học sinh chấp hành nội quy, kỷ luật tốt, học lực khá.
Cũng theo bà Phương, tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, ngoài em Sơn còn có ba trường hợp khác cũng có vướng mắc về hộ khẩu. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Sơn chưa có hộ khẩu chính thức, những học sinh khác chỉ gặp vướng mắc về một số giấy tờ bổ sung.
Về quan điểm của nhà trường, bà Phương cho hay nhà trường sẵn sàng tiếp nhận lại và có phương án hỗ trợ Sơn ôn tập để theo kịp các bạn trong thời gian bị đình chỉ với điều kiện Sơn phải có hộ khẩu Hà Nội. Ngoài phương án đó ra, nhà trường chưa có phương án nào khác.
VIẾT THỊNH
Không để học sinh nào phải thất học! Sở đang chờ báo cáo của nhà trường, lúc đó Sở mới có cơ sở để phát ngôn cũng như đưa ra phương án xử lý. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT khẳng định sẽ tìm cách để hỗ trợ học sinh này. Sẽ không để cho học sinh nào phải thất học. Không học trường này thì sẽ học trường khác. Tuy nhiên, người dân Hà Nội phải đóng thuế, không phải bất kỳ ai cũng vào trường công của Hà Nội học được. Không thể vì hoàn cảnh khó khăn mà làm sai quy định. Ông NGUYỄN HIỆP THỐNG, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội |