Người thầy – nặng gánh chữ ơn

Tôi viết bài này trong vai một người học trò, không phải một nhà quản lý giáo dục hay một chuyên gia giáo dục. Tôi viết trong khi đang cắm tai nghe nhạc khúc “Nhớ ơn Thầy Cô” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Những ca từ tha thiết, ngọt ngào vang trong tim:

“Về lại trường xưa với bao kỷ niệm 
Bóng dáng cô thầy vấn vương không rời. 
Một thời tuổi thơ trôi theo cánh phượng 
Lời thấy cô vọng mãi... “

Bài hát gắn với thuở áo trắng, gắn với thời mộng mơ, hồn nhiên và được sống trọn vẹn trong nghĩa bạn, tình Thầy. Đó là tuổi thơ tôi, tuổi chèo sấu, hái phượng, tắm mưa. Những hình ảnh, kỷ niệm đó chiếm trọn một ngăn yêu thương, ngọt ngào trong trái tim tôi. Nó trở thành hành trang, thành vốn sống, thành một phần con người tôi hiện tại.

Đọc bức “Tâm thư” của cậu học trò lớp 11, tôi lại nhớ đến cảm giác của mình 16 năm về trước, khi ấy (thật tình cờ và trùng lặp), là lúc tôi đang học lớp 11…

Gặm nhấm nỗi buồn của chuỗi  ngày “nghỉ ở nhà” hơn 1 tháng…trong khi bạn bè cùng lứa hàng ngày tới lớp, tôi chỉ mong đến chiều để đợi cậu bạn mang sách vở về cho chép lại bài. Bởi hơn 1 tháng đó, bố mẹ tôi chưa lo đủ tiền đóng học chứ không phải vì…không có hộ khẩu Hà Nội.

16 năm về trước, trường cấp 3 tư thục rất ít, học phí cao hơn rất nhiều so với trường công (giờ vẫn vậy). Bố mẹ tôi là lao động nông nghiệp, công nhân thuần túy. Mỗi ngày chứng kiến những nhọc nhằn trên vai bố, những gian truân trên đôi tay mẹ, tôi chẳng khi nào cho phép mình lùi bước, vẫn muốn học, vẫn khát học, vẫn thèm tới lớp cho dù…

Hơn 1 tháng ở nhà, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc buồn tủi, hụt hẫng, cô độc, chán nản, tự ti…trước hoàn cảnh của mình. Đã có lúc, tôi nghĩ đến việc “Có lẽ mình sẽ phải nghỉ học thật vì học phí cao quá. Mình không muốn trở thành gánh nặng của gia đình”.

Nghĩ thế, nhưng tôi không dám nói với bố mẹ, tôi sợ bố buồn vì bố lúc nào cũng muốn tôi học thật tốt, cũng muốn tôi thi trường tốt – đó là lý do bố hướng tôi học dân lập – dù kinh tế gia đình không mấy dư dật.

Chiều và tối nào suốt hơn 1 tháng đó, bố mẹ cũng chứng kiến tôi đợi bạn, tôi hì hục chép lại bài (máy photo hiếm và đắt quá), háo hức hỏi bạn những gì được học ở trường. Bố mẹ thương tôi quá và…đi vay nặng lãi để đóng học phí cho tôi.

Bởi vậy, tôi hiểu rằng, bạn học sinh lớp 11 hôm nay khi phải viết (hoặc nhờ người viết) “Tâm Thư” gửi Chủ tịch nước thì mới thấy: khát vọng thèm cái chữ của bạn ấy lớn đến nhường nào. Nhưng, có một cảm giác mà tôi không “bị” trải qua như bạn học sinh này là: cảm giác bị “hắt hủi” của người nhập cư về Hà Nội.

Dù có nói gì, thì đó cũng là một cảm giác chẳng hề dễ chịu – mà lại “bị” mang tới bởi người mà ta gọi là THẦY!

Tôi không giám bình phẩm, hay lạm bàn về NGƯỜI THẦY ở đây. Tôi chỉ nhớ đến THẦY TÔI – những người đã mang đến cho tôi “cánh cửa” bước vào cuộc đời này.

Đó là người Thầy dạy văn của tôi…

Tôi hay đến nhà Thầy để mượn sách, đọc xong lại trả, lại mượn. Thầy biết thế nên chỉ cho tôi địa chỉ mua sách giá rẻ, cách mặc cả, các loại sách cần đọc v.v…Kho tri thức vì thế mà dần mở ra với tôi.

Lại nhớ, cũng vào năm cấp 3, dọc đường đi học về, tôi và Thầy thỉnh thoảng hay trò chuyện (vì nhà Thầy ở gần nhà tôi). Tôi nhớ mãi câu Thầy nhắc lại tới hai lần mà khi đó, với nhận thức của cô học trò mới lớn, tôi chưa đủ để hiểu hết: “Lan Anh có khả năng hơn các bạn trong lớp. Em cố gắng đọc sách và học thật tốt để thi vào Đại học. Cánh cửa Đại học sẽ mở ra cho em rất nhiều cơ hội mới trong cuộc sống”.

“Vào đại học”, tôi chỉ nghĩ đơn giản là hết cấp 3 thì học tiếp đại học, được làm sinh viên (tôi thích thế vì ngày đó chương trình SV96 của Nhà báo Lại Văn Sâm hất hot, tôi đặc biệt bị ấn tượng và say sưa với hình ảnh các anh chị sinh viên năng động, tự tin trước ống kính truyền hình); chứ chưa nghĩ được hết hàm ý của câu sau “Cánh cửa Đại học sẽ mở ra cho em rất nhiều cơ hội mới trong cuộc sống”. Nhưng, cũng nhờ đó mà tôi quyết tâm học hơn, quyết tâm đến được với cánh cổng đại học hơn.

Đến khi học Đại học, chuẩn bị đi làm mới dần “thấm” hai chữ “cánh cửa” và “cơ hội” mà Thầy dạy là gì.

Ơn Thầy ở chỗ đó, nghĩa Thầy cũng ở chỗ đó! “Con nhớ Cô Thầy, dìu dắt con nên người” để “Đưa con bay khắp phương trời.”

Một câu chuyện nhỏ trong chuỗi chuyện dài rất đẹp, rất đáng trọng về những người Thầy của tôi: Thầy hồi Tiểu học, THCS, THPT, Đại học và sau đại học…Tất cả đã trở thành hành trang, thành hồi ức, thành động lực sống mà tôi luôn canh cánh bên lòng: NGƯỜI THẦY - NẶNG GÁNH CHỮ ƠN!!!

“Làm Thầy khó lắm

Phải đâu chuyện cười

Nay ừ, mai đuổi

Tủi hờn, Thầy ơi”

Đâu có dễ để sau 1 năm, 5 năm, 10 năm hay 30 năm sau, học trò vẫn cúi đầu, khoanh tay “Con chào Thầy ạ!”; vẫn mong ước ngày trở về như Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện:
“Bây giờ, con về thăm ngôi trường xưa giờ già hơn trước. 
Con tìm, Cô Thầy sau bao nhiêu năm tóc đã bạc phơ. 
Con về, thăm lại, ôi sân trường xưa một thời mơ ước. 
Cô Thầy đâu rồi?
Nghe trong tim con vang tiếng Cô Thầy.”

Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2014

Học trò

LÊ THỊ LAN ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm