Liên tiếp những ngày làm việc đầu năm, tại TP.HCM và Đồng Nai đã xảy ra các vụ đình công có quy mô lớn, có vụ lên tới hàng chục ngàn công nhân tham gia. Điển hình có vụ kéo dài đến 10 ngày.
Điều lương sang phúc lợi
Mâu thuẫn gay gắt khiến 4.000 công nhân Công ty Woodworth Wooden Việt Nam sản xuất gỗ (ấp 12, xã Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) ngưng việc kéo dài 10 ngày (từ ngày 16 đến 24-2). Nguyên nhân là do thay vì điều chỉnh lương cơ bản cho công nhân, công ty này đã khéo léo đưa vào khoản tiền thưởng, chuyên cần.
Các công nhân cho biết trước tết đã bất bình với thông báo của công ty về việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016 đối với người lao động. Tuy nhiên, do thời điểm cận tết, mọi người đều muốn yên ổn để lĩnh tiền thưởng tết, ứng lương tháng 1-2016 để về quê ăn tết, khi đi làm sẽ kiến nghị công ty điều chỉnh. Đi làm trở lại, công nhân đưa ra kiến nghị này và bị công ty phản bác. Sau đó công nhân đồng loạt ngưng việc phản đối.
Anh H. bức xúc cho biết mặt bằng lương cơ bản của công ty thấp hơn so với các công ty lân cận. Tuy nhiên, khi điều chỉnh công ty chỉ tăng thêm 350.000 đồng và ngắt số tiền này vào phụ cấp (chuyên cần, hoàn thành nhiệm vụ), thay vì đưa vào lương cơ bản khiến người lao động bị thiệt thòi khi thực hiện chính sách BHXH, căn cứ để tính tiền tăng ca. “Công ty quá khôn khéo khi chuyển lương cơ bản vào phụ cấp. Bởi yêu cầu chuyên cần, hoàn thành nhiệm vụ mới được nhận khoản tiền này. Khi họ lấy lý do không hoàn thành thì coi như công nhân không có gì và điều này thiệt thòi cho công nhân” - anh H. phân tích.
Hàng ngàn công nhân Công ty Nissey tại TP.HCM đồng loạt ngưng việc phản ứng nhập nhằng giữa lương, phụ cấp. Ảnh: P.ĐIỀN
Anh C., làm việc tại công ty này bốn năm, bất bình: “Tôi làm ở đây lâu năm lại có tay nghề nhưng mức lương 3,9 triệu đồng/tháng, trong khi công nhân mới vào họ cũng nhận được mức lương này. Oái oăm hơn, những công nhân khác làm lâu năm lương lại thấp hơn người mới vào làm (dao động từ 3,5 đến 3,7 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, công ty này cũng không tăng lương thâm niên cho công nhân và thẳng thừng tuyên bố chỉ điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước hằng năm. Ai muốn làm thì làm không muốn thì nghỉ. Tệ hơn, công ty này không cộng thêm 7% tiền lương đối với người có tay nghề và 5% tiền độc hại”.
Đại diện Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi khẳng định công ty không chỉ thực hiện không đúng quy trình xây dựng thang bảng lương mà còn thực hiện không đầy đủ việc điều chỉnh lương tối thiểu đối với người lao động khiến hàng ngàn công nhân bất bình, phản ứng.
Các cơ quan chức năng đã mời lãnh đạo công ty đối thoại, phân tích cho họ thấy những điểm sai trong việc xây dựng thang bảng lương tại doanh nghiệp và những bất cập khi điều chỉnh lương tối thiểu. Đồng thời đề nghị công ty cắt 200.000/350.000 đồng tiền điều chỉnh tăng thêm vào lương cơ bản để phù hợp với quy định nhà nước.
Trước đó, khi công nhân phản ứng về chính sách lương cào bằng, người sau cao hơn người trước và không tính phần lao động có tay nghề, độc hại, công ty này có điều chỉnh cho những người có tay nghề nhưng với những người có thâm niên họ không đả động, vì cho rằng đã điều chỉnh lương tối thiểu hằng năm theo quy định. Nhưng thực tế công ty đã đưa khoản tăng vào khoản phụ cấp.
Chuyển phụ cấp qua lương
Đây là nguồn cơn khiến 3.000 công nhân Công ty TNHH Nissey Việt Nam, ngành cơ khí (vốn đầu tư Nhật Bản, đường số 14, KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) đồng loạt ngưng việc. Vụ đình công này kéo dài hơn tám ngày, cho đến khi lãnh đạo công ty đồng ý tăng thêm 100.000 đồng vào phụ cấp bổ sung và điều chỉnh mức trợ cấp bổ sung theo thâm niên, mỗi năm tăng 20.000 đồng, từ 11 đến 20 năm tăng 200.000 đồng.
Công nhân phản ánh khi có nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, công ty đã cắt khoản phụ cấp 200.000 đồng/người/tháng. Tiếp đó, công ty điều chỉnh lương cơ bản với mức tăng hơn 200.000 đồng/người/tháng. Công nhân cho rằng cách “xẻo bên này đắp bên kia” như vậy khiến lương cơ bản của họ không nhích lên bao nhiêu, sau khi đã trích đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Anh N., công nhân công ty này, giãi bày khi nổ ra đình công, công ty thông báo sẽ tăng thêm phụ cấp đối với những người có thời gian làm việc hai năm tại công ty là 20.000 đồng/tháng. Chung quy mức phụ cấp mỗi năm cách nhau 20.000 đồng và không vượt quá 200.000 đồng/người/tháng, cho dù người đó có thâm niên lâu nhất công ty là 11-20 năm.
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn KCX-KCN TP.HCM, đánh giá việc điều chỉnh lương tối thiểu của Công ty TNHH Nissey Việt Nam không khéo khiến công nhân cảm thấy bị thiệt thòi. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, ban giám đốc công ty đồng ý điều chỉnh tăng phụ cấp 100.000 đồng/người/tháng.
Có rạch ròi lương, phụ cấp?
Đại diện một doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho rằng hiện tại mức lương các công ty tại TP.HCM cao hơn mức lương tối thiểu, thấp hơn sẽ không có công nhân. Bối cảnh tiền lương ngày càng tăng cao kéo theo mức đóng các khoản bảo hiểm tăng thêm rất lớn. Ngược lại, do lợi nhuận gia công thấp khiến doanh nghiệp phải “linh hoạt” điều khoản này sang khoản kia, mục đích né đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm, thông thường các khoản phúc lợi không đưa vào thỏa ước lao động tập thể mà chỉ có trong quy chế hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì khoản phúc lợi này sẽ phình to, ngược lại khoản này sẽ bị teo tóp. Như vậy, các doanh nghiệp nếu khéo léo vận dụng đưa các khoản vào phúc lợi, lợi thế sẽ thuộc về họ. “Đối với các ngành gia công, tiền lương chiếm 30% tổng giá thành sản phẩm trong khi giá không tăng. Ngược lại đầu vào, chi phí chung (điện, nước…) lại tăng khiến các công ty phải xén vào lương để cân đối tài chính” - vị này nói.
Ông Trần Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn lực Quốc tế, đánh giá vấn đề ở đây là các công ty có quan tâm đến việc thu hút nhân lực thể hiện trong xây dựng thang bảng lương để cạnh tranh hay không. Điều này chủ doanh nghiệp họ có tâm, người lao động mới hái được quả ngọt, ngược lại sẽ phát sinh các vụ đình công không sớm thì muộn.
Để minh định về sự nhập nhằng giữa lương và phụ cấp đang diễn ra, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTB&XH), nói khá ngắn gọn: Dù lương hay phụ cấp thì người lao động đều được hưởng xứng đáng với công việc mình làm. Tuy nhiên, cần rạch ròi khoản nào đưa vào lương, khoản nào đưa vào phụ cấp, thay vì nhập nhằng giữa hai khoản này khiến người sử dụng lao động và người lao động không gặp nhau. _______________________________ Với các quy định hiện hành, các công ty không sai nhưng vấn đề là họ làm không khéo léo. Cụ thể, các công ty đã tách các khoản ra khỏi tiền lương cơ bản, đưa vào phúc lợi như chuyên cần, nhà trọ, xăng xe, tiền ăn… Tóm lại các khoản này không được định nghĩa là tiền lương nên không là căn cứ để trích đóng BHXH, tính tiền tăng ca. Ông TRẦN THANH HƯNG, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn lực Quốc tế |