“Trong năm 2014 có 293 cuộc đình công nhưng không có cuộc nào hợp pháp. Nếu cứ theo quy định hiện nay sẽ không có cuộc đình công nào hợp pháp cả vì các quy định không phù hợp thực tiễn. Để tổ chức được đình công phải thông qua hòa giải viên, rồi hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh. Trong khi đó không có ai đưa vụ việc đến hội động trọng tài cấp tỉnh để giải quyết vì phải chờ đợi quá lâu. Do đó công đoàn không thể thực hiện bước tiếp theo để tổ chức đình công đúng luật”.
Đó là phát biểu của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ), tại hội thảo Công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đình công diễn ra ngày 27-1. Hội thảo do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
LĐLĐ tỉnh Tây Ninh đã đại diện cho 13 công nhân kiện chủ doanh nghiệp sa thải vì đã tham gia đình công. Ảnh: H.MINH
Theo ông Chính, trước đây người lao động có quyền đình công về quyền hoặc lợi ích. Nhưng Bộ luật Lao động 2012 không chấp nhận cho người lao động đình công về quyền, chỉ cho phép đình công về lợi ích. Trong khi đó, thực tế nhiều cuộc đình công về quyền và lợi ích đan xen, không phân biệt rõ ràng do doanh nghiệp vi phạm pháp luật (quyền) và trong khi ngừng việc người lao động đòi hỏi thêm lợi ích. Khả năng có một cuộc đình công hợp pháp do công đoàn tổ chức càng co hẹp lại. “Trong hàng ngàn cuộc đình công, nếu có chừng năm, sáu cuộc đình công hợp pháp thì luật cũng đã đi vào cuộc sống. Nhưng không có cuộc đình công nào đúng luật, rõ ràng các quy định không còn phù hợp” - ông Chính nói.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Pou Yuen, TP.HCM, cho rằng tuy người lao động hiểu biết trình tự về tổ chức đình công nhưng làm theo quy định của pháp luật thì mất rất nhiều thời gian. “Vì thế họ cho rằng đình công là phương pháp hàng đầu chứ không phải là vũ khí cuối cùng như thường nói. Khi đình công, mọi vấn đề của người lao động sẽ được giải quyết ngay”. Ông Nghiệp dẫn chứng, ví dụ người lao động không đồng ý với suất cơm trưa, nếu theo trình tự phải thông qua cán bộ quản lý, đến người quản lý nhà ăn, rồi đến ban giám đốc. Tiếp đó, ban giám đốc phải xin ý kiến cấp trên tổ chức cuộc họp tìm phương pháp khắc phục. Nhưng nếu người lao động đình công thì cấp trên và ban giám đốc sẽ có mặt ở hiện trường để giải quyết liền.
HỒNG MINH
Ở Đức hãn hữu lắm mới xảy ra đình công. Đình công tự phát hầu như không có ở Đức, chỉ có từ thời những năm 1960. Còn 20 năm qua ở Đức không có cuộc đình công tự phát nào. Cũng như ở Việt Nam, người lao động ở Đức luôn ở thế yếu hơn người sử dụng lao động, vì vậy họ cần có phương tiện để đấu tranh. Chúng tôi không coi đình công là mối nguy de dọa ổn định xã hội mà ngược lại, nó giúp tạo nên những tiến bộ mới. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, đình công ở Đức là phương tiện cuối cùng nếu tất cả biện pháp thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động không đạt kết quả. Ông ERWIN SCHWEISSHELM, Trưởng đại diện Viện Friedrich Erbert (FES) 250 cuộc đình công từ đầu năm 2014 đến nay. Từ tháng 6-2009 đến nay, cả nước xảy ra hơn 3.000 cuộc đình công, tập trung phần lớn tại các tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ… |