Gần một nửa các bà mẹ vẫn dùng roi vọt để giáo dục con cái. Nhiều thành viên đang ngày càng tách rời khỏi gia đình ngay cả khi vẫn sống chung trong một mái nhà…
Đó là những vấn đề được thảo luận nhiều trong buổi hội thảo khoa học “Giá trị văn hóa tinh thần trong gia đình đô thị hiện đại” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 19-8.
Chị Đoàn Thị Thanh Thủy (Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM) chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM câu chuyện khi đến một nhà tạm lánh cho phụ nữ ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Chị NTA và chồng có một cuộc sống rất ngột ngạt vì chị không có con trai nối dõi. Do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, chị không muốn có thêm con, chỉ muốn tập trung lo cho hai con gái ăn học đầy đủ. Anh coi thường chị ra mặt, coi chị là người không biết điều. Anh luôn áp đặt chị và các con theo tính cách rất gia trưởng của mình, dạy vợ bằng nắm đấm. Chị đến nhà tạm lánh để suy nghĩ về cuộc hôn nhân của mình.
Chị Thanh Thủy cho rằng: “Phụ nữ hiện đại ý thức về bình quyền rất mạnh mẽ, họ làm việc và phấn đấu không thua nam giới, trong khi tư tưởng của nhiều ông chồng vẫn mắc kẹt trong những định kiến cũ”. Đó chính là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều xung đột gia đình mà hội phụ nữ đã nhiều lần tham gia can thiệp, hòa giải. Theo TS Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), vấn đề bạo lực gia đình vẫn âm thầm diễn ra đằng sau các cánh cửa do người chồng vẫn muốn duy trì uy quyền của mình.
Người phụ nữ hiện đại đã không còn cam chịu chấp nhận sự gia trưởng và bạo hành. Theo Thẩm phán Phạm Hồng Loan (TAND TP.HCM), số vụ ly hôn ở TP.HCM trong năm năm qua tăng đáng kể, chỉ trong năm 2015 đã có hơn 27.000 vụ ly hôn, nguyên nhân hàng đầu do bạo lực gia đình.
TS Hà Văn Tác cho biết trong một cuộc nghiên cứu so sánh giữa gia đình có con em bị đưa vào Trường Giáo dưỡng số 4 và một số gia đình có con em thành đạt, ông nhận ra cha mẹ có con em phạm tội phần lớn không có kỹ năng sư phạm để dạy con, họ thường chỉ áp đặt con cái.
Hãy chuẩn bị cho sự đổi thay Có vài người đàn ông trò chuyện với tôi nói rằng vợ con của họ ngày càng khó dạy bảo. Tôi mắng ngay, khi dùng từ “dạy” là anh đã đặt cái tôi của anh cao quá. Xã hội ngày xưa coi trọng gia đình và tập thể, coi nhẹ cá nhân. Nhưng xu thế chung của xã hội là tất yếu, mọi cá nhân đều phải được bình đẳng và tôn trọng, kể cả một đứa trẻ cũng có quyền nói lên ý kiến của nó. Anh hoảng hốt là bởi anh chưa sẵn sàng tiếp nhận giá trị mới có tính phổ quát. Tôi thường khuyên người già hãy hiểu người trẻ và người trẻ cần tiếp nhận kế thừa những giá trị truyền thống bên cạnh những giá trị mới. PGS-TS TẠ VĂN THÀNH, ĐH Hùng Vương |