Sáng 13-7, tại TP.HCM, Bộ Quốc phòng (BQP) tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội sáu tháng đầu năm dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Ngay sau phần thông tin, đại diện BQP đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề quân đội làm kinh tế, sử dụng đất quốc phòng…
Pháp Luật TP.HCM ghi lại những nội dung chính của phần hỏi đáp này.
Thượng tướng Lê Chiêm nói chưa hết ý
. Thanh Niên: Đến giờ có thể hiểu chủ trương của Thường vụ Quân ủy Trung ương, BQP là quân đội làm kinh tế gắn liền với quốc phòng. Nhưng trước đó Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng BQP, lại phát biểu “quân đội thôi làm kinh tế”. Xin lãnh đạo BQP lý giải rõ thêm về việc này?
+ Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế quốc phòng: Thượng tướng Lê Chiêm nói chưa hết ý. Quân đội thôi làm kinh tế tức là thôi làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế gắn với quốc phòng, cho nên mọi người hiểu ý phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm chưa đầy đủ. Phải hiểu rằng Quân ủy Trung ương không có trường phái nào, quan điểm nào khác nhau, là thống nhất bằng nghị quyết, lãnh đạo.
. Thanh Niên:Có ý kiến cho rằng quân đội làm kinh tế là đi ngược với xu thế của thế giới. Quan điểm của BQP về ý kiến này như thế nào?
+ Quân đội Việt Nam có nhiệm vụ sản xuất kinh tế xuất phát từ bản chất truyền thống của quân đội, xuất phát từ lịch sử. Ngày nay, để xây dựng đất nước, quân đội phải song hành hai nhiệm vụ chiến lược đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng kinh tế để tăng tiềm lực bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc để góp phần xây dựng kinh tế mạnh hơn. Để thực hiện hai nhiệm vụ này thì việc kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, quốc phòng và kinh tế là đương nhiên. Điều này đã được ghi trong Hiến pháp 2013.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì họp báo thông tin về tình hình quân sự, quốc phòng sáu tháng đầu năm sáng 13-7. Ảnh: HOÀNG GIANG
Quân đội các nước khác không làm kinh tế cũng là tùy theo lịch sử, hoàn cảnh của họ. Ví dụ, với Trung Quốc, chiến lược của họ là phát triển kinh tế, bảo vệ tổ quốc. Họ không đặt nặng vấn đề bảo vệ tổ quốc vì thời nay chẳng ai nghĩ rằng Trung Quốc bị xâm lược. Chiến lược của ta thì khác, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ.
Quân đội các nước cũng làm kinh tế nhưng họ làm dạng khác, như đầu tư các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, trung tâm nghiên cứu. Như NASA của Mỹ chẳng hạn, họ đầu tư nghiên cứu công nghệ rất tiên tiến, sau khi đã hoàn chỉnh sản phẩm cho quốc phòng rồi thì đưa công nghệ ấy ra cho dân sự, tăng nguồn thu, lấy tiền cho việc đầu tư khác.
Công nghiệp sản xuất quốc phòng của ta còn yếu, chưa thể phát triển được. Cái gì tiên tiến thì đi mua là chính nhưng đi mua không làm chủ được. Bây giờ đã đến lúc phải sản xuất công nghệ, vì vậy phải kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Thu hồi trên 1.000 xe biển đỏ
. Pháp Luật TP.HCM và Tuổi Trẻ: Quân đội làm kinh tế có rất nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp (DN) dân doanh và rất khó để bên ngoài giám sát. Vậy làm sao để đảm bảo công bằng và minh bạch?
+ DN quân đội do đặc thù có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nên trước đây có sự ưu tiên, cấp một số xe biển đỏ, điều cán bộ, sĩ quan sang các DN. Nhưng hoạt động của DN quân đội luôn theo đúng quy định của pháp luật, trong hoạt động không có ưu tiên gì.
Hình thức nhìn mọi người nghĩ là có sự ưu tiên nhưng thực chất thì không phải như vậy. Hiện nay thực hiện đề án tái cơ cấu các DN quân đội, các xe biển đỏ trang bị cho DN đã bị thu hồi, vừa qua thu hồi trên 1.000 xe, nếu DN còn 100% vốn nhà nước thì chỉ được hai xe biển đỏ để các lãnh đạo đi làm nhiệm vụ, còn lại là biển trắng.
Hằng năm các DN quân đội đều bị thanh tra, kiểm toán về tình hình sản xuất, tài chính như DN khác. Có chăng DN quân đội có ưu thế là cung ứng sản phẩm ra thị trường, thấy sản phẩm của quân đội thì dân tin hơn, còn DN khác muốn cạnh tranh phải xây dựng thương hiệu, chất lượng, giá cả phù hợp.
Tôi khẳng định DN quân đội chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng nhà nước, không có vùng cấm.
Sử dụng đất sai mục đích sẽ bị thu hồi
. Pháp Luật TP.HCM: Quân đội làm kinh tế gắn chặt chẽ với sử dụng đất quốc phòng. Vừa qua xảy ra vụ Đồng Tâm liên quan đến Tập đoàn Viettel, BQP đã rút kinh nghiệm gì?
+ Qua thanh tra của TP Hà Nội thì thấy có khuyết điểm ở chỗ đơn vị được giao quản lý khu đất không chặt chẽ, thậm chí để không như thế cho dân vào sản xuất. Để không thì thấy xót nên cho dân vào sản xuất, sau đó lấn chiếm thêm.
Sau khi có kết luận thanh tra của TP Hà Nội với kết luận của Chính phủ, nếu có sai phạm thì sẽ tổ chức kiểm điểm rút ra kinh nghiệm để công tác quản lý đất quốc phòng trong thời gian tới được chặt chẽ hơn và thực hiện nghiêm Nghị quyết 1002 của Quân ủy Trung ương về quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
. Tuổi Trẻ: Một số đơn vị cho thuê đất quốc phòng, bên thuê xây dựng không phép, sử dụng không đúng mục đích nhưng ít bị kiểm tra. BQP xử lý như thế nào về những trường hợp lợi dụng danh nghĩa quốc phòng để vi phạm pháp luật, trục lợi?
+Tất cả DN quân đội sử dụng đất quốc phòng sai mục đích đều được kiểm tra, xử lý và thu hồi.
Vừa qua một số nơi đã làm không đúng, Quân ủy Trung ương đã có kết luận, BQP cũng có kế hoạch kiểm tra, rà soát. Các đơn vị sử dụng đất không đúng quy định sẽ bị thu hồi, cán bộ làm sai sẽ bị xử lý trách nhiệm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự.
Chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho biết đề án sắp xếp lại các DN quân đội đã được BQP trình Chính phủ, chỉ chờ Thủ tướng phê duyệt là thực hiện. Theo đó, số lượng DN đến năm 2016 là 88 DN 100% vốn nhà nước, sẽ sắp xếp còn 17 DN. Các DN giữ lại là DN có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo đúng tiêu chí của nghị định về DN quốc phòng, an ninh. DN thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước vẫn giữ 51% cổ phần thì có 12 DN. Đây là những DN trong quá trình sản xuất kinh doanh có nhiệm vụ quốc phòng, khi có chiến tranh có thể huy động. Các DN quân đội còn lại làm thương mại, dịch vụ hoặc DN không có nhiệm vụ quốc phòng hoặc ít nhiệm vụ quốc phòng thì cổ phần hóa, thoái hết vốn vào năm 2020. |