Cà Mau: Dân kêu trời vì xây cầu cản trở ghe gạo lúa

Chiều 20-8, tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau diễn ra cuộc họp dân ấp Tân Hưng của xã này để bàn về cây cầu đang xây mà người dân phản ứng vì quá thấp, cản ghe gạo lúa. 

Cây cầu bị dân phản ứng đang xây dựng, chưa gác nhịp. Ảnh: TRẦN VŨ.

Trước đó, ngày 3-8-2020, 7 người dân ký đơn yêu cầu ngừng thi công cầu Đình Tân Hưng, bắc qua kênh Rạch Rập, vì cho rằng độ thông thuyền quá thấp, cản trở hoàn toàn ghe chở lúa gạo vốn lưu thông rất nhiều ở đây. 

Nội dung đơn của người dân yêu cầu Nhà nước nên làm cầu có độ thông thuyền như cây cầu cũ vừa tháo dỡ, tức khoảng 3m. Cây cầu đang xây có độ thông thuyền 1,5m sẽ cản trở ghe gạo lúa vào các nhà máy xay xát, sấy lúa, các vựa lúa gạo hiện nay.  

Cuộc họp dân về cây cầu Đình Tân Hưng, bắc qua kênh Rạch Rập. Ảnh: TRẦN VŨ.

Tại cuộc họp dân ấp Tân Hưng, đại diện đơn vị thiết kế là ông Trần Anh Nhật, thuộc Công ty tư vấn thiết kế Toàn Thịnh, Cà Mau cho rằng độ thông thuyền này đã được tính toán kỹ lưỡng và đúng với các quy định hiện hành. "Độ dốc hiện nay, ở độ thông thuyền 1,5m là 8%. Nếu nâng lên 1m nữa, độ dốc là 12%. Nếu nâng thêm 1,5m thì độ dốc của cầu sẽ là 15 đến 16%, vượt quy định kỹ thuật, không an toàn"- ông Nhật nói.

Ông Nhật cũng đưa ra một gợi ý với người dân là nên cắt bớt những phần cao của ghe không quá cần thiết để qua cầu. Tuy nhiên, người dân phản bác ngay vì ghe còn phải đạt yêu cầu đăng kiểm, cắt là vi phạm. Phần nào cắt được dân đã cắt rồi.

Chủ tịch xã Lý Văn Lâm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, lý giải với người dân rằng độ thông thuyền như vậy, tức 1,5m thì độ dốc mới an toàn cho dân đi lại đường bộ. Đảm bảo vẻ mỹ quan và có lợi chung cho dân. Ông Phúc cũng chia sẻ với người dân phía trong cầu, có nhà máy xay lúa, sấy lúa, vựa lúa gạo. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, xã xây dựng nông thôn mới, đang tăng cường xây dựng hạ tầng đường bộ. Trong tương lai sẽ giảm vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. 

Tuy nhiên, hơn chục người dân dự họp không đồng tình. Ông Mã Bá Trinh, chủ các nhà máy sấy, xay xát lúa gạo phía trong cầu bảo rằng nhà máy của gia đình ông hơn 40 năm qua. Hiện đang tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động. Nếu cầu thấp vậy thì nguy cơ nhà máy không thể hoạt động bình thường, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, đến việc làm công nhân. 

Còn ông Lâm Văn Chiến, người có vựa gạo phía trong cầu thì cho rằng chính quyền làm cầu mà không họp dân để bàn bạc. Ông cũng như bà con dự họp, nhất quyết đề nghị Nhà nước phải thay đổi thiết kế, nâng độ thông thuyền như cầu cũ hoặc ít nhất là 2m. 

Ông Dư Minh Hoàng, doanh nghiệp gạo lúa ở địa phương phân tích rằng toàn hệ thống kênh Rạch Rập trước giờ cầu luôn đảm bảo độ cao 2,5m trở lên. Hiện hữu đang có gần chục cây cầu trên kênh này có độ thông thuyền như vậy. Nay xây cầu 1,5m là vô lý. 

Tại cuộc họp còn có người dân chuyên làm nghề vận chuyển lúa gạo bằng ghe lớn, đại diện công nhân ở nhà máy xay xát lúa gạo phía trong cầu. Những người này cũng bày tỏ lo ngại mất việc làm vì cây cầu quá thấp này.

Cuối cuộc họp, các hộ dân thống nhất đề xuất nâng cây cầu Tân Hưng, bắc qua kênh Rạch Rập phải đảm bảo độ thông thuyền 2m trở lên. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch xã Lý Văn Lâm, ghi nhận và hứa sẽ báo cáo cho lãnh đạo UBND thành phố Cà Mau xem xét. 

Được biết, cây cầu này do UBND TP. Cà Mau làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng khoảng 5 tỷ đồng. 

Cũng bắt qua kênh Rạch Rập, cây cầu trước UBND xã Lý Văn Lâm có độ thông thuyền 2,5. Ảnh: TRẦN VŨ

Phóng viên PLO đã kháo sát sơ bộ kênh Rạch Rập và chứng kiến hệ thống cầu củ đều ở độ cao thông thuyền trên 2m. Người dân địa phương cho biết đây là con đường quan trọng trong quá khứ giúp người dân vận chuyển hàng hóa, hành khách từ một số huyện về TP Cà Mau. Hiện nay, do đường bộ phát triển, vận chuyển hành khách không còn. Tuy nhiên, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản vẫn còn, với không ít ghe lớn gần trăm tấn hoạt động.

Xã Lý Văn Lâm là xã chuyên về nông nghiệp. Sản phẩm chủ yếu là lúa, gạo, dưa hấu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm