Hà Nội dự kiến lập 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô

Sau thời gian nghiên cứu cùng đơn vị tư vấn (Trường Đại học Giao thông Vận tải - GTVT), Sở GTVT Hà Nội vừa hoàn tất đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND thành phố vào cuối tháng 10-2021.

Theo đó, đơn vị tư vấn xác định ranh giới thu phí từ đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3; chu vi khu vực thu phí khoảng 51 km, diện tích 150 km2.

Đề án cũng xác định toàn thành phố dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí đặt bên trong ranh giới Vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm thành phố. Chẳng hạn đặt tại nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì...

Ùn tắc ở trung tâm TP Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh: V.LONG

Các xe ô tô lưu thông trên tuyến vành đai 3, không đi vào trung tâm không phải trả phí. Xe ô tô chở khách sẽ áp dụng các mức phí khác nhau nhưng theo hướng thấp hơn xe cá nhân nếu vào thành phố.

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất thời gian thu phí từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Trong đó, khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ, chiều từ 16 giờ đến 19 giờ 30 mức thu phí dự kiến sẽ cao hơn.

Các trạm thu phí trên đều áp dụng hình thức thu phí không dừng, đáp ứng xe lưu thông tốc độ tối đa 70 km/h khi qua trạm.

Đề án này xác định mức thu phí xe vào thành phố là phi lợi nhuận, với mục đích góp phần hướng người dân dần chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, hình thành văn hóa đi bộ.

Theo Sở GTVT Hà Nội, phương án thu phí xe vào nội độ có ba giai đoạn, trong đó từ năm 2021 – 2025 nghiên cứu, hoàn thiện đề án; năm 2025 - 2030 xây dựng dự án và tổ chức thí điểm; từ năm 2030 bổ sung các điểm thu phí để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.

Hiện toàn TP Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ (đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.

Năm 2017, chính quyền Hà Nội thông qua Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp để hạn chế xe cá nhân và ô nhiễm môi trường…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm