Miền Tây sớm chủ động ứng phó hạn mặn

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính qua địa bàn tỉnh hiện ở mức cao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông Mekong hơn 45-61 km. Theo dự báo, nước mặn sẽ còn xâm nhập sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái trên sông Cửa Đại, Cổ Chiên và Hàm Luông. Mức độ rủi ro do thiên tai xâm nhập mặn đang tăng lên cấp độ 2.

Hơn 90% cống ngăn mặn ở Bến Tre đã đóng kín

Nhằm chủ động ứng phó hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã triển khai sớm các biện pháp phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình, phối hợp vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất.

UBND tỉnh Bến Tre cũng đang gấp rút tuyên truyền, vận động nhân dân đắp bờ bao cục bộ, đập tạm; trữ nước mưa, nước ngọt trong các hồ, lu, bồn chứa… nhằm đảm bảo đủ nước uống, sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.

Ông Hồ Ngọc Hậu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Bến Tre (thuộc UBND tỉnh Bến Tre), cho biết: Công ty đang quản lý vận hành, khai thác trên 1.600 cống trong toàn tỉnh. Ngay từ đầu năm 2021, đơn vị đã thực hiện duy tu, sửa chữa công trình nhằm đảm bảo quản lý khai thác, vận hành an toàn, hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ ngọt.

“Trong 204 cống trên các sông lớn, có hơn 90% cống đã được đóng ngăn mặn, trữ ngọt. Riêng các cống nhỏ ở kênh rạch, tùy theo diễn biến tình hình hạn mặn sẽ được đóng, mở hợp lý” - ông Hậu cho hay.

Đắp đập tạm trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang). Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Bùi Trung Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Long, huyện Châu Thành, cho biết trên địa bàn xã hiện có gần 100 cống đập lớn, nhỏ. Ở thời điểm này, các cống đang vận hành lấy nước ngọt và sẽ đóng kín khi nước mặn tấn công để bảo vệ an toàn 850 ha vườn cây ăn trái cho bà con nông dân.

“Đến thời điểm hiện nay bà con trên địa bàn xã đã an tâm về nguồn nước phục vụ tưới tiêu” - ông Chỉnh cho biết.

Thông tin với báo chí về công tác phòng chống hạn mặn trong mùa khô 2021-2022, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho hay: Ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân trữ nước ngọt, việc tổ chức thi công các cống đập ngăn mặn đã được triển khai khẩn cấp, nhất là các cống liên vùng để phục vụ cung cấp nước cho cả khu vực. Nếu tình hình hạn mặn diễn ra như năm ngoái thì Bến Tre không thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

Theo ông Tam, thời gian qua tỉnh đã gấp rút làm các cống ngăn mặn. Ngay cả trong đợt dịch bệnh vừa qua tỉnh cũng chủ động cho các công trình này được triển khai. Hiện đã hoàn thành được một số cống có thể đảm bảo không bị xâm nhập mặn.

“Với những giải pháp chủ động đó, tôi tin rằng tỉnh Bến Tre sẽ giảm bớt khó khăn, thiệt hại do xâm nhập mặn. Từ đó từng bước ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân, đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” - ông Tam nói.

Nước mặn trên sông Tiền xâm nhập sớm

Tại Tiền Giang, đài khí tượng thủy văn tỉnh này nhận định tình hình hạn mặn năm nay trên sông Tiền đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm nhưng muộn hơn so với mùa khô 2020-2021.

Để chủ động ứng phó hạn mặn, UBND tỉnh đã cho đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Hiện công trình đã hoàn thành, đáp ứng được việc ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ nước sản xuất cho khoảng 100.000 ha khu vực phía tây và khu dự án kè sông Bảo Định.

Tại khu vực phía đông tỉnh Tiền Giang, các địa phương đã chủ động cắt vụ lúa thu đông để tránh mặn. Hầu hết các trà lúa tại khu vực này đang bước vào giai đoạn thu hoạch nên không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Tại huyện Chợ Gạo, thời điểm này, cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông) vẫn còn lấy nước ngọt khá ổn định để cấp cho vùng ngọt hóa Gò Công, nguồn nước trong vùng nội đồng của khu vực này đang rất dồi dào.

Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông thông tin hiện nguồn nước tại các kênh, rạch trên địa bàn huyện đang rất dồi dào. Căn cứ vào diễn biến, khả năng hạn mặn năm nay sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện.

Còn tại huyện Tân Phú Đông, đến nay địa phương đã đóng toàn bộ các cống ngăn mặn. Hiện mực nước trên các kênh, rạch nội đồng của huyện xuống thấp. Dự báo đến cuối tháng 3, nguồn nước nội đồng sẽ cạn hết.

UBND huyện này cho biết địa phương sẽ tiếp tục đề xuất các ngành phân bổ kinh phí đầu tư trạm bơm chuyền nước ngọt trên địa bàn huyện vào mùa khô để phục vụ sản xuất nông nghiệp.•

Nhiều lưu ý khi canh tác mùa vụ

Theo ThS Trần Minh Tuấn (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), diễn biến mặn xâm nhập mùa khô năm 2021-2022 có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm 5-10 km. Tuy nhiên, thấp hơn nhiều so với mùa khô năm 2015-2016 (4-23 km), 2019-2020 (5-45 km) và một số thời điểm tương đương so với mùa khô năm 2020-2021. Dự báo mặn xâm nhập sâu nhất trong tháng 3 trên sông Tiền 53-55 km, sông Hàm Luông 70-73 km; sông Hậu, sông Cổ Chiên 60-63 km; hệ thống sông Vàm Cỏ 95-100 km.

Theo ThS Tuấn, do có điều tiết gia tăng từ các thủy điện trên lưu vực, mưa trái mùa xuất hiện ở ĐBSCL nên nguồn nước cho sản xuất mùa kiệt năm nay được dự báo ở mức tương đương với năm 2020-2021.

Ông Tuấn khuyến cáo xâm nhập mặn có thể diễn biến bất thường, nguy hiểm ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện. Để góp phần giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, nhất là vùng cách biển đến 35-40 km. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2022 xong phải chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ hè thu tiếp theo.

“Các địa phương cần phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi để cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt để tích trữ nước ao, ruộng, mương liếp... Đặc biệt, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới.

GIA TUỆ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm