Phi công làm gì khi máy bay nằm sân dài ngày?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dịch COVID-19 kéo dài khiến ngành hàng không là một trong những ngành ảnh hưởng trầm trọng nhất. Dữ liệu ghi nhận từ trang planespotters cho thấy tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất rất nhiều máy bay nằm sân. Các hãng cho biết trong giai đoạn này họ bố trí luân phiên khai thác các máy bay chủ yếu chở hàng hóa, thiết bị y tế, vaccine, đội ngũ y tế tham gia chống dịch. Với lượng máy bay lớn nằm sân nhiều tháng liền, các hãng sẽ đưa vào chế độ bảo quản, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn, sẵn sàng quay lại bầu trời khi dịch bệnh được kiểm soát. Vậy trong giai đoạn máy bay nằm sân, phi công (PC) làm gì?

Huấn luyện trên buồng lái mô phỏng

Một giáo viên, PC dòng máy bay thân rộng Boeing-787, bật mí theo chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), định kỳ 90 ngày PC buộc phải thực hiện ba chuyến bay huấn luyện để giữ kỹ năng nghề. Như vậy, tính thời gian máy bay nằm dài trên sân từ đầu tháng 5-2021 đến nay tương ứng với thời gian để PC thực hiện kỹ năng nghề nghiệp 90 ngày.

Theo vị giáo viên này, hiện hai hãng hàng không có nhiều máy bay và PC nhất là Vietnam Airlines và Vietjet đã tự chủ chương trình huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (SIM). Ngoài ra, tại TP.HCM còn có Trung tâm huấn luyện bay BAA Training Việt Nam (thành viên của Avia Solutions Group, tập đoàn kinh doanh hàng không vũ trụ lớn nhất từ khu vực Trung và Đông Âu).

Ông Nguyễn Anh Đức, PC dòng máy bay thân rộng Airbus A350, giáo viên phụ trách chương trình huấn luyện của Vietnam Airlines, thông tin thêm ngoài mốc thời gian 90 ngày, hãng còn các chương trình huấn luyện sáu tháng, chín tháng và 12 tháng. Đối với 12 tháng có chương trình huấn luyện đặc biệt.

Theo ông Đức, lúc cao điểm Vietnam Airlines có 1.100 PC, còn giai đoạn hiện tại giảm khá nhiều, hiện còn khoảng 700 người, chủ yếu là PC trong nước. Ông Đức đánh giá, hiện dòng máy bay thân lớn vẫn còn khai thác chở hàng hóa, vật tư y tế, vaccine, các đoàn y bác sĩ tham gia chống dịch nên không nhiều áp lực huấn luyện. Ngược lại, dòng máy bay thân hẹp lại khá áp lực do số lượng máy bay nhiều, thời gian nằm sân dài ngày nên buộc phải tham gia huấn luyện theo quy định, tuy nhiên thời gian qua do giãn cách nên trung tâm huấn luyện tại TP.HCM ngưng hoạt động.

Giáo viên trên buồng lái trên buồng lái mô phỏng máy bay Airbus A350.
Ảnh: PHONG ĐIỀN

Ông Đức phân tích, nếu PC có lịch bay liên tục sẽ giảm chi phí huấn luyện và kỹ năng thực tiễn, còn trong giai đoạn này các hãng bay tốn kém chi phí huấn luyện. Lý do, buồng lái mô phỏng có giá rất đắt, khoảng 20 triệu USD/buồng, nhà sản xuất tính toán mất 10 năm thu hồi chi phí.

Hiện 1 giờ huấn luyện trong buồng mô phỏng giá thấp nhất (A321) là 360 USD. Còn dòng máy bay thân rộng như Boeing-787 là 820 USD/giờ, Airbus A350 là 900 USD/giờ. Bình quân mỗi ca gồm giáo viên và bốn PC huấn luyện trong 4 tiếng, mỗi PC bay 1 tiếng. Lấy con số này nhân lên để thấy chi phí huấn luyện rất tốn tiền nhưng buộc phải thực hiện.

Ra nước ngoài huấn luyện

Theo ông Đức, dù chủ động huấn luyện, tuy nhiên Vietnam Airlines vẫn chưa có buồng lái mô phỏng để huấn luyện PC dòng máy bay ATR-72, nên thời gian qua hãng phải bố trí chuyến bay chở một nửa số PC dòng máy bay này sang Thái Lan để huấn luyện.

Quy định của ICAO như vậy, tuy nhiên một số hãng hàng không còn đề ra chương trình huấn luyện cao hơn như Singapore tổ chức bay thực tế trên bầu trời cho PC. Đó là tổ chức một chuyến bay với hàng chục PC để luân phiên thực hàng kỹ năng bay trên bầu trời. “Việc huấn luyện thực tiễn này giúp PC có cảm nhận trực quan và xử lý các tình huống trên bầu trời tiệm cận hơn với thực tế” - ông Đức cho biết.

Ngoài hai hãng hàng không nói trên chủ động khâu huấn luyện, một số hãng hàng không khác do chưa có trung tâm huấn luyện nên phải sang Singapore để huấn luyện.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị UBND TP.HCM cho phép các Trung tâm huấn luyện trên buồng lái mô phỏng để pc hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đề xuất này đã được UBND TP chấp thuận. Như vậy, các trung tâm huấn luyện bay, chi nhánh của Vietnam Airlines, Trung tâm đào tạo huấn luyện của Airbus-Vietjet (Vietjet Academy) và Trung tâm huấn luyện bay BAA Training Việt Nam được phép huấn luyện.

Theo Cục Hàng không, để bảo đảm an toàn khai thác bay, PC phải duy trì liên tục trình độ kỹ năng, huấn luyện định kỳ trên thiết bị buồng lái mô phỏng. Đây là yêu cầu bắt buộc, không thể thay thế bằng các hình thức huấn luyện khác.•

 Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khi huấn luyện trên SIM
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các trung tâm huấn luyện khi thực hiện nhiệm vụ, toàn bộ đội ngũ PC tuân thủ triệt để các quy định về phòng chống dịch. Đồng thời, phải được tiêm mũi 2 vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính; thực hiện khử khuẩn trước và sau khi sử dụng SIM; thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế; chỉ cho phép tối đa bốn PC trong một ca huấn luyện trên SIM.

Nhà chức trách hàng không yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Nam thực hiện giám sát và cấp giấy đi đường cho PC và những người thực hiện nhiệm vụ đảm bảo các vấn đề khai thác, kỹ thuật của SIM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm