Nhiều quốc gia đã lên tiếng dọa tẩy chay World Cup 2018 tại Nga nhưng hình như đang có sự lẫn lộn giữa chính trị và bóng đá. Đến nay FIFA vẫn chưa lên tiếng nhưng nếu thực sự quốc gia nào tẩy chay hay bỏ tham dự vòng chung kết World Cup 2018 tại Nga chắc chắn sẽ bị tổn thất nặng nề.
Tuần này, Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop, đã phải nói lại cho rõ chuyện trước đó ít ngày chính phủ Úc có ý định không cho đội tuyển Úc đến Nga dự World Cup 2018 vì làn sóng khủng hoảng ngoại giao kể trên. Bà Julie Bishop đã phải nói lại cho rõ rằng việc ngăn không cho tuyển Úc đến Nga dự World Cup là một trong hàng loạt lựa chọn của nhà nước, song phương án trên đã bị loại bỏ rồi. Điều này có nghĩa đội tuyển Úc vẫn có mặt tại Nga dự World Cup 2018.
Nga đang chuẩn bị tích cực cho World Cup 2018 vào mùa hè. Ảnh: GETTY IMAGES
Nên nhớ FIFA phân định bóng đá không liên quan chính trị và rất rạch ròi. Nếu những đội bóng có mặt ở vòng chung kết World Cup 2018 không tham dự, tức bỏ cuộc, chắc chắn sẽ nhận trừng phạt rất lớn từ phía FIFA, thậm chí là bị cấm vận như nhiều quốc gia đã từng bị FIFA cấm.
Anh là quốc gia có phản ứng rất mạnh nhưng cũng không dám tẩy chay không cho đội tuyển Anh tham dự vòng chung kết World Cup mà chỉ là sẽ không đưa bộ trưởng và hoàng gia Anh đến nhân sự kiện World Cup 2018 theo lời mời từ phía ban tổ chức World Cup mà Nga là chủ nhà. Riêng đội tuyển Anh thì vẫn tham dự và đang chuẩn bị tích cực.
Còn nhớ trong khu vực Đông Nam Á, tại AFF Cup 2016, đội tuyển Malaysia tính bỏ giải tại Yangon về nước do khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Malaysia và Myanmar về người tị nạn Rohinga. Tuy nhiên, cuộc họp nội các của Malaysia có Bộ trưởng Thể thao Malaysia, ông Khairy Jamaluddin (cũng từng là phó chủ tịch LĐBĐ Malaysia), đã phân tích rạch ròi giữa bóng đá và chính trị, đồng thời can ngăn chính phủ đừng để đội tuyển Malaysia bỏ giải kẻo ảnh hưởng rất nhiều và sẽ nhận án phạt cực nặng từ FIFA.
Thế nên cũng đừng lo World Cup 2018 tại Nga sẽ bị tẩy chay.