Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã cho ý kiến, đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm một số ĐBQH

(PLO)- Theo báo cáo kiểm điểm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đôi khi Mặt trận chưa bày tỏ chính kiến, thái độ kịp thời trước những vấn đề cấp bách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-10, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X MTTQ Việt Nam bước vào ngày làm việc thứ nhất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã trình bày báo cáo Kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Giám sát, phản biện tích cực

Ngoài những hoạt động phong trào, báo cáo kiểm điểm do ông Nguyễn Hữu Dũng trình bày đã nhấn mạnh nhiều đến công tác giám sát, phản biện xã hội – chức năng được được hiến định của MTTQ.

Cụ thể, báo cáo nhận định: Các Ủy viên Ủy ban Trung ương đã phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, cụ thể hóa triển khai trong hệ thống Mặt trận. Cùng đó là tham gia góp ý, kiến nghị với Đảng về chủ trương, đường lối; góp ý, kiến nghị với Nhà nước về chính sách, pháp luật và những vấn đề về quốc kế dân sinh nhằm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

“Các Ủy viên tham gia hoạt động trong các hội đồng tư vấn đã tích cực trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nắm tình hình Nhân dân…” - ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Đoàn Chủ tịch có 62 vị trong nhiệm kỳ IX và đã bám sát các vấn đề của đất nước, kịp thời ra nhiều lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, tiêu biểu là trong đại dịch COVID-19 và bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Đoàn Chủ tịch Mặt trận Trung ương đã cho ý kiến, đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm ĐBQH
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trình bày báo cáo kiểm điểm. Ảnh: MTTQ

Đoàn Chủ tịch cũng chủ động góp ý hoàn thiện pháp luật liên quan đến Mặt trận và vai trò của Mặt trận trong các sinh hoạt chính trị, xã hội của đất nước.

Tiêu biểu, Đoàn Chủ tịch đã giám sát có trách nhiệm với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV; đồng thời cho ý kiến, đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với một số ĐBQH khóa XIV, XV theo quy định.

Ban Thường trực cũng chủ trì, phối hợp thực hiện 79 nội dung giám sát và tham gia bốn chuyên đề giám sát của QH; xây dựng 11 báo cáo giám sát gửi QH, Chính phủ; tổ chức 30 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án luật.

“Các ý kiến giám sát và phản biện xã hội của Ban Thường trực có căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và khoa học, thể hiện rõ chính kiến của Mặt trận. Điều này giúp Đảng, QH, Chủ tịch nước, Chính phủ thảo luận xem xét, quyết định, nhiều nội dung và được các bộ, ngành, chính quyền các cấp lắng nghe, quan tâm trả lời và chỉ đạo giải quyết” - báo cáo kiểm điểm nêu và cho hay trung bình mỗi năm, Ban Thường trực tham gia góp ý kiến khoảng 120 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng các văn bản góp ý ngày càng được nâng lên.

Đạt một số kết quả nhưng hiệu quả chưa cao

Tuy vậy, báo cáo kiểm điểm cũng nhìn nhận, việc bày tỏ thái độ, chính kiến của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực trước một số vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân có lúc, có việc thiếu kịp thời.

Việc tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng hiệu quả ở một số nội dung, lĩnh vực còn chưa cao.

Một số kiến nghị, phản ánh trong giám sát và phản biện xã hội chưa sâu sắc, chưa đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Cạnh đó, trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời, phản hồi các kiến nghị hậu giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân mặc dù đã được quan tâm hơn, song có lúc, có nơi, có việc còn thiếu quyết liệt.

MTTQ-DHX-truong-thi-hoa.jpg.png
Luật sư Trương Thị Hòa, ĐB của MTTQ Việt Nam TP.HCM, phát biểu góp ý về báo cáo kiểm điểm và sửa đổi điều lệ của MTTQ Việt Nam. Ảnh: MTTQ

Về mặt cá nhân các vị Ủy viên, báo cáo nói mức độ tham gia hoạt động còn hạn chế; một số Ủy viên chưa thường xuyên thông tin, trao đổi kết quả hoạt động của mình gắn với việc thực hiện công tác Mặt trận ở cở cở.

“Việc hướng dẫn các địa phương cũng như các tổ chức thành viên vận động Nhân dân thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa đạt hiệu quả như mong muốn… Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, việc trao đổi, tiếp nhận và cung cấp thông tin trong hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch còn hạn chế” - ông Nguyễn Hữu Dũng trình bày

Về nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân chung, báo cáo kiểm điểm cho rằng một số vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch do hoạt động kiêm nhiệm nên không tham dự đầy đủ các hội nghị, chưa dành tối đa thời gian để thảo luận, bàn bạc những vấn đề về công tác Mặt trận.

Một số vị Ủy viên ở vùng sâu, vùng xa đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, đại biểu ở cơ sở, đại biểu ở nước ngoài do điều kiện về kinh phí hoạt động, khoảng cách địa lý… nên chưa tham gia đầy đủ và phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong hoạt động.

Điều chỉnh để thích ứng với những phát sinh

Từ những hạn chế được chỉ ra, báo cáo kiểm điểm nêu sáu bài học kinh nghiệm.

Đáng chú ý, báo cáo kiểm điểm cho rằng cơ quan Trung ương của Mặt trận cần nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn, kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đánh giá đúng tình hình, nhạy bén trong phát hiện, đề xuất giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra và các vấn đề Nhân dân quan tâm.

Kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình hành động và kế hoạch hằng năm những việc phát sinh để thích ứng tình hình mới và yêu cầu đặt ra đối với vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

“Với những nội dung mới, khó cần quyết liệt, kịp thời đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm” - ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

MTTQ-DHX.jpg
Quang cảnh đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X MTTQ Việt Nam. Ảnh: MTTQ

Ngoài ra, Mặt trận cũng cần xác định phải luôn gắn bó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Mở rộng thành phần và đa dạng hóa các hình thức để lắng nghe đa chiều, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đây là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực có những kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước trong việc đề ra và ban hành những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm