Chiều 14-2, tại Nghĩa trang TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và TP.HCM đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ cụ Huỳnh Tấn Phát.
Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và TP.HCM đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ cụ Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: VÕ THƠ |
Tham dự cùng đoàn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ…cùng nhiều nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo cùng đến dâng hương, dâng hoa.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng Đoàn lãnh đạo dâng hương trước đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh VÕ THƠ |
Trước vào lễ viếng, đoàn đại biểu đã dâng hương và dành phút mặc niệm để tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, Đoàn đã dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm trước khu mộ cụ Huỳnh Tấn Phát.
Đoàn đã dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm trước khu mộ cụ Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: VÕ THƠ |
Cụ Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913, tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Ông là một kiến trúc sư tài ba, một nhà nhà trí thức, nhà cách mạng giàu nhiệt huyết.
Trước khi trở thành nhà cách mạng, cụ Huỳnh Tấn Phát là một Kiến trúc sư nổi tiếng, từng đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu trung tâm Hội chợ triển lãm Đông Dương từ những năm 40 của thế kỷ trước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thắp hương trước phần mộ cụ Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: VÕ THƠ |
Các biệt thự do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế trước năm 1943 ở Sài Gòn đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính phù hợp với khí hậu nóng, ẩm phương nam. Một số biệt thự vẫn còn đến ngày nay như Biệt thự số 7 Lê Duẩn, biệt thự số 151 Nguyễn Đình Chiểu, biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng...
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng giữ các chức vụ quan trọng như Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6-6-1969) cho đến ngày thống nhất đất nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thắp hương tưởng nhớ nhà tri thức, kiến trúc sư tài ba. Ảnh: VÕ THƠ |
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Năm 1983, ông làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông là đại biểu Quốc hội nhiều khóa.
Nhiều nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo cùng đến dâng hương, dâng hoa nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cụ Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: VÕ THƠ |
Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau nhưng dù ở cương vị nào ông vẫn luôn là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng và nhân dân xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Ông mất ngày 30-9-1989 tại TP.HCM thọ 76 tuổi. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết.