Các hộ dân xã Ia Glai, huyện Chư Sê, Gia Lai đang mang bí đao ra quốc lộ 14 bày bán mong gỡ bớt vốn nhưng không ai mua.
Người dân bỏ cả ngàn tấn bí ngoài ruộng vì công ty "chạy làng". Ảnh: Q.VŨ
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Bát, người đã đầu tư gần 7 ha bí đao xanh giống Đài Loan, khi ông cùng nhiều người chất những quả bí đao nặng 10-15 kg thành đống để công nhân làm cỏ chuẩn bị bón phân cho cây cao su. Những quả bí đao nằm la liệt, bắt đầu bị thối rữa.
Ông Bát cho biết mùa thu hoạch đã qua hơn hai tháng nhưng ông không dám cắt vì không có người mua. Một số hộ có mang bí đao ra bày sạp bên quốc lộ 14 để bán cho người đi đường nhưng cũng không ai dám mua vì trái… quá lớn.
Không chỉ ông Bát mà nhiều hộ dân trong xã cũng đang bỏ cả ngàn tấn bí nằm lúc nhúc, la liệt trên ruộng, nhiều quả bắt đầu hư hỏng.
Theo ông Bát, đầu năm 2017, một phụ nữ xưng là giám đốc Công ty Cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên đến gặp người dân đặt vấn đề đầu tư trồng bí đao Đài Loan. Công ty ứng hạt giống 7 triệu đồng/ha, 50% phân bón, đồng thời hứa hẹn sẽ bao trọn gói đầu ra với giá 5.000-5.500 đồng/kg nếu bí đáp ứng tiêu chuẩn của họ và người dân ký hợp đồng trồng bí với công ty. Thời gian đầu, công ty cho người xuống kiểm tra hằng tuần, có cả người Trung Quốc. Đến giữa tháng 4-2017, dân gọi điện thoại báo cho công ty xuống thu hoạch thì giám đốc báo bận, sau đó không liên lạc được.
Theo các hộ dân, ngoài tiền thuê đất, mỗi ha trồng bí, nông dân tốn khoảng 40-50 triệu đồng. Đến khi thu hoạch, Công ty Cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên “mất tích”.
Bí đao xanh đợi thối rữa để... làm phân. Ảnh: Q.VŨ
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Bá Quang, Trưởng thôn Nông Trường, cho hay chính quyền không biết về việc người dân ký hợp đồng với công ty.
Ông Nguyễn Đức Phi, Chủ tịch xã Ia Glai, cũng cho hay người dân tự ký kết hợp đồng, xã không hề hay biết. Xã đã có báo cáo lên huyện để có chính sách hỗ trợ cho người nông dân, có thể là chỉ đạo cho các ngân hàng tổ chức khoanh nợ cho các hộ nông dân.
Lần theo địa chỉ ghi trên hợp đồng thì đây là trụ sở phân phối dầu nhờn và chủ nhà từ chối tiếp vì đã bị nhiều người làm phiền.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Lam, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Chư Sê, cho biết: Người dân thuê đất trồng bí, tự ký kết nên huyện không nắm, cũng chưa nhận được báo cáo của xã.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hợp đồng trồng bí, công ty ràng buộc rất nhiều trách nhiệm nhưng không đề cập gì về trách nhiệm không thu mua. Vì vậy khi công ty “chạy làng”, người dân ôm quả đắng.