Doanh nghiệp của người có HIV

Những ngày đầu năm 2014, tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã ra đời với cái tên khá lạ: Điểm sáng Sức sống. Hiện tại DN này có trên 10 người lao động. DN này đặc biệt ở chỗ từ vợ chồng giám đốc tới người lao động đều đang mang trong người căn bệnh thế kỷ.

Bị nghỉ việc vì nhiễm HIV/AIDS

Để có sự ra đời của “Điểm sáng Sức sống” phải nói đến sự đóng góp, nung nấu của các thành viên nhóm tự lực Sức Sống (thuộc mạng lưới tự lực huyện Tân Thành). Trong đó vợ chồng anh Phạm Ngọc Tuấn (37 tuổi) và chị Mai Thị Ngọc Ánh (30 tuổi) là những người chủ lực.

Khi được hỏi về lý do quyết định thành lập DN, họ đã kể lại câu chuyện của chính mình cũng như nhiều anh em, bạn bè khi rơi vào tình cảnh thất nghiệp vì trót mang trong người virus HIV.

Vợ chồng anh Phạm Ngọc Tuấn (người ngoài cùng và thứ hai từ trái sang) trong ngày khai trương DNTN Điểm sáng Sức sống. Ảnh: TK

Tuổi thơ, gia đình anh Tuấn ở tại phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM. Hẻm nơi gia đình anh ở chuyện cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp đều có. Hẻm có 21 hộ thì 18 hộ có người vướng vào tù tội. Cùng với nhóm bạn, anh Tuấn khi ấy có đôi lần cũng đã thử hút, hít nhưng không nghiện. Còn em trai anh Tuấn lại nghiện ma túy nặng, dẫn tới nhiễm HIV, sức khỏe suy yếu dần và mất vào năm 2003. Vào thời điểm đó, anh Tuấn trông coi các tiếp viên nữ của một nhà hàng người cậu tại quận 10. Anh Tuấn thẳng thắn: “Tuổi trẻ bồng bột, nông nổi, tôi cũng không biết mình đã nhiễm HIV từ bao giờ và từ ai”.

Năm 2007, anh Tuấn xuống Bà Rịa-Vũng Tàu xin vào làm bảo vệ tại một công ty trong KCN Phú Mỹ, huyện Tân Thành. Sau đó, anh quen biết và kết hôn với chị Ánh (quê Đồng Nai). “Năm 2011 tôi biết mình nhiễm HIV. Lúc đó tôi bị sốt kéo dài hơn hai tuần, người gầy sút, chỉ còn 35 kg. Thế rồi tôi được đưa lên khám tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và nhận được kết quả mình đã nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Tôi hoàn toàn suy sụp, chán nản. Tôi không muốn nằm điều trị tại bệnh viện mà một mực đòi về nhà nằm chờ chết. Nhưng nhờ sự chăm sóc, động viên của vợ, gia đình, tôi muốn điều trị bệnh để có thể sống...” - anh Tuấn tâm sự.

Chị Ánh - vợ anh Tuấn tiếp lời: “Thực sự tôi đã bị sốc khi nghe tin anh Tuấn bị nhiễm bệnh. Cảm giác thù hận cũng đã có sau khi kết quả xét nghiệm của mình cũng dương tính. Lúc ấy anh Tuấn gần như rơi vào trạng thái mê man, suy kiệt, các bác sĩ nói gia đình phải chuẩn bị khả năng xấu nhất. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi anh vẫn cố gắng naói với tôi rằng mọi việc đã lỡ, hãy ở bên anh để cùng nhau làm lại từ đầu. Gia đình tôi ở quê đến nay cũng không ai biết chuyện này...”.

Sau vài tháng điều trị, sức khỏe anh Tuấn có chuyển biến tốt. Cuối năm 2011, anh quay lại công ty cũ để xin đi làm lại. Nhưng khi nhìn thấy hồ sơ của anh, giám đốc công ty đã quyết định cho anh nghỉ việc với lý do sức khỏe không đảm bảo. Chị Ánh lúc đó cũng không thể xin được việc làm với lý do tương tự chồng. Vậy là cả hai vợ chồng đều thất nghiệp, cuộc sống lại tiếp tục rơi vào khó khăn, bế tắc.

Nhưng rồi anh Tuấn được bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Thành tư vấn và giới thiệu đến với Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển (COHED). Tại đây, anh và nhiều bạn bè được tham gia các khóa tập huấn, có kiến thức liên quan đến HIV/AIDS. Cũng nhờ đó anh Tuấn đã tự tin hơn rất nhiều.

Ngôi nhà chung của người nhiễm HIV

Để có số tiền khoảng 200 triệu đồng mở DN, vợ chồng anh Tuấn đã phải vay mượn nhiều nơi. Ngoài ra, anh Tuấn cũng nhờ đến sự hỗ trợ, vay vốn từ dự án.

DN của anh Tuấn hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh nhà cửa, các công trình; chăm sóc, duy trì cảnh quan; bốc xếp hàng hóa, buôn bán vật liệu, thiết bị trong xây dựng; buôn bán hàng lương thực, thực phẩm tổng hợp. Hiện tại DN có trên 10 người lao động đều là các thành viên trong nhóm, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

Chị NTKL (ngụ xã Mỹ Xuân), nhân viên của DNTN Điểm sáng Sức sống, phát hiện bị nhiễm HIV từ người chồng 15 năm trước. Trước đây chị K.L bán trái cây ở chợ Mỹ Xuân, vừa chống chọi với bệnh tật vừa vượt qua rào cản định kiến xã hội. Do ngày một lớn tuổi, sức khỏe có phần hạn chế nên gần năm năm nay chị nghỉ bán về nhà làm nội trợ. Gia đình khó khăn nên bản thân chị mong muốn có một việc làm để phụ giúp các con kiếm tiền trang trải chi tiêu gia đình.

Tương tự chị K.L, chị CTCL cũng nhiễm bệnh HIV từ chồng. Suốt sáu năm qua, do mặc cảm bệnh tật, chị chỉ làm nội trợ trong nhà. Bây giờ cảm thấy mình còn đủ sức khỏe và tự tin hơn, chị C.L mạnh dạn xin làm việc cho Điểm sáng Sức sống với mong muốn có được một việc làm ổn định.

Anh Tuấn cho hay hiện anh cũng đã liên hệ và được một số cơ quan (như Trung tâm Y tế huyện) hứa tạo điều kiện ký kết hợp đồng. Anh bảo công việc bận rộn, cùng những mối quan hệ giao tiếp bên ngoài giúp vợ chồng anh tự tin, không còn mặc cảm về bệnh tật nữa. Anh đã đặt máy móc lau dọn vệ sinh từ Thái Lan đang chờ chuyển về. Sau tết có thể bắt đầu làm dịch vụ. Ngoài ra, huyện Tân Thành cũng tạo điều kiện để nhiều thành viên trong các nhóm tự lực được tham gia khóa học đào tạo nghề có chứng chỉ để làm việc tốt hơn.

TRÙNG KHÁNH

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Y tế huyện Tân Thành, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển (COHED), vợ chồng anh Tuấn cùng bạn bè đồng cảnh ngộ đã lập ra nhóm tự lực có tên là Sức Sống, do anh Tuấn làm trưởng nhóm. Nhóm hoạt động trên địa bàn ba xã Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Sông Xoài của huyện Tân Thành. Sau đó, nhóm Sức Sống của anh Tuấn đã cùng các nhóm tự lực khác trên địa bàn huyện thành lập Mạng lưới tự lực. Với sự năng nổ, nhiệt tình và khả năng kết nối của mình, anh Tuấn cũng được bầu làm trưởng ban điều hành. Nhóm thường xuyên sinh hoạt, tổ chức các buổi truyền thông nói chuyện về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng, tham gia các hoạt động từ thiện. Anh Tuấn làm việc cho dự án này có phụ cấp, được vay vốn để làm ăn, phát triển kinh tế. Hiện anh tham gia cùng các cán bộ của COHED vào công tác xét duyệt hồ sơ, hỗ trợ thủ tục, thu hồi vốn cho các gia đình nhiễm HIV vay vốn.

________________________________________

Ngày tôi khai trương DN, giám đốc công ty cũ của tôi có tới dự. Ông đã không ngờ chúng tôi lại có thể làm được như hôm nay. Tôi mong muốn sẽ sớm có nhiều việc làm cho anh, chị em. Đồng thời, cũng muốn xã hội sẽ có cái nhìn khác hơn đối với những người nhiễm HIV như chúng tôi.

Anh PHẠM NGỌC TUẤN, Giám đốc DNTN Điểm sáng Sức sống

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm