Những nhân vật trong bài viết đã không thể hiện sự yếm thế, chán nản. Họ đã vượt lên bệnh tật, sự kỳ thị của mọi người để tự tạo cho mình và người khác có công ăn việc làm, làm việc có ích cho xã hội. Đây là những tấm gương đáng trân trọng, giúp cho những người đồng cảnh ngộ nhận thức lại bản thân rằng họ vẫn là người có ích nếu nỗ lực làm việc, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh. Tôi rất mong rằng công ty của vợ chồng anh Tuấn và những người lao động trong đó phát triển, mở ra một giai đoạn mới sáng sủa hơn cho cuộc sống của họ. Mong họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tuyên truyền, vận động mọi người phòng, chống biết cách phòng tránh HIV/AIDS. Mong họ cũng tích cực cổ vũ, động viên những người lỡ vướng bệnh biết sống có ích hơn để không trở thành gánh nặng cho người thân, gia đình, xã hội...
Ngoài ra, thông qua tấm gương của họ, tôi nghĩ mọi người nên có cái nhìn cảm thông, chia sẻ hơn với những người lỡ vướng vào căn bệnh này. Thực tế chứng minh không phải ai mang bệnh cũng xấu cả và cũng không phải cứ tiếp xúc thông thường với người mang bệnh là mình cũng bị lây bệnh. Do vậy, nếu chúng ta cứ có cái nhìn thiếu thiện cảm, kỳ thị, xa lánh thì có thể sẽ khiến cho những người bệnh bi quan, chán nản lâm vào ngõ cụt, có thể giết chết tương lai họ. Trong khả năng của mình, chúng ta nên làm những việc có thể giúp người bệnh hòa nhập tốt với cộng đồng. Việc thuê mướn công ty của các nhân vật trong bài viết làm vệ sinh, chăm sóc cây cảnh… cũng là một cách làm hay.
NGUYỄN THIỆN, ĐH Kinh tế - Luật