Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT vi phạm thuần phong, mỹ tục sẽ bị xử lý

(PLO)- Nghị định 71/2022 ra đời là công cụ để chấn chỉnh hiện trạng các nền tảng OTT sai phạm về thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử, đưa hình ảnh đường lưỡi bò...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-2, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo phổ biến chính sách pháp luật mới về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Nghị định 71/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016) cho các đơn vị đài phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VieON, bày tỏ sự vui mừng khi Nghị định 71 sẽ tạo sân chơi công bằng cho các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình qua internet (OTT).

Ông Thủy nêu thực tế, các doanh nghiệp (DN) OTT nước ngoài có nhiều vi phạm về thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử... Điều này ảnh hưởng đến các DN OTT trong nước.

“Tôi mong Nghị định 71 sẽ mang lại sân chơi công bằng cho các DN OTT trong nước và xuyên biên giới về nghĩa vụ nộp thuế, đăng ký kinh doanh, cùng các trách nhiệm khác” - ông Thủy kỳ vọng.

Ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến này, đồng thời khẳng định nghị định giúp các DN OTT trong nước cạnh tranh bình đẳng hơn với những DN OTT nước ngoài

“Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã nhiều lần có văn bản chính thức gửi lên Quốc hội, Chính phủ về những vi phạm của DN OTT xuyên biên giới liên quan đến thuần phong mỹ tục, lối sống, chính trị, pháp luật, hình ảnh đường lưỡi bò... Có những phim mà đài truyền hình trong nước không được phát sóng nhưng các DN này được phát sóng. Do đó, cần làm rõ vấn đề này” - ông Úy nêu ý kiến.

Đại diện các bộ, ngành tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đại diện các bộ, ngành tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trả lời các ý kiến, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết Bộ và các ban ngành liên quan sẽ áp dụng những quy định của Nghị định 71 và tiến hành xử phạt các DN vi phạm, dù đó là DN xuyên biên giới hay trong nước.

Theo ông Yên, trước khi Nghị định 71 được áp dụng từ 1-1-2023 thì tất cả vi phạm của các DN đều được theo dõi và có văn bản yêu cầu gỡ bỏ. Trong đó có các hình ảnh về đường lưỡi bò, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt, các loại phụ đề được tạo tự động bởi công cụ trí tuệ nhân tạo,...

“Để thực hiện nghiêm và không tái diễn việc này thì cần có hành lang pháp lý. Nghị định 71 ra đời kết hợp với Nghị định 119/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản sẽ trở thành hai công cụ để chấn chỉnh hiện trạng này” - ông Yên khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Yên nhấn mạnh các Bộ, ngành liên quan sẽ tích cực phối hợp với các trang cộng đồng chuyên theo dõi nội dung phim nước ngoài, các hiệp hội phổ biến phim truyền hình trả tiền nhằm chủ động phát hiện những vi phạm.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định để có môi trường, dịch vụ phát thanh, truyền hình lành mạnh, hữu ích và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng thì bản thân khách hàng, DN sản xuất phải có những giải pháp bảo vệ mình.

Ông Lâm đề nghị các DN cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình cần nghiên cứu, phối hợp cùng các cơ quan quản lý đưa ra những cảnh báo, rà soát, ngăn chặn những nội dung không phù hợp, sai quy định trong lĩnh vực này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm