Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình.
Với nghị định này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thị trường truyền hình trả tiền qua ứng dụng internet trong nước sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: VT |
Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT nói với báo chí tại cuộc họp báo ngày 12-10.
“Các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung sẽ đưa các doanh nghiệp về một mặt bằng chung để quản lý, tránh việc ‘bảo hộ ngược’, chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước mà buông lỏng doanh nghiệp xuyên biên giới"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ.
Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cũng cho biết, Nghị định 71/2022, có hiệu lực từ 1/1/2023, quy định rõ ràng về trách nhiệm và quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp nội dung trên Internet xuyên biên giới, thường được gọi là doanh nghiệp VOD.
Trong đó, với những sai sót nghiêm trọng về nội dung, doanh nghiệp có thể bị chặn hoàn toàn cung cấp nội dung tại Việt Nam.
Thay đổi quan trọng nhất của nghị định là nói rõ dịch vụ, ứng dụng phát thanh, truyền hình cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải được quản lý theo quy định của Nghị định.
Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT sẽ phải chịu trách nhiệm biên tập, phân loại, biên dịch nội dung. Trong đó, với nội dung phim, đơn vị phải phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ VH-TT&DL quy định.
Nội dung biên dịch phim, chương trình nước ngoài phải đảm bảo tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.
Nếu để xảy ra các sai sót, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức để ngăn chặn việc phổ biến nội dung.
Với các doanh nghiệp đã được cấp phép, vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Nếu sai sót nghiêm trọng, sai phạm liên quan đến chủ quyền, lịch sử Việt Nam, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các nhà cung cấp mạng ngăn chặn ngay nội dung vi phạm, sau đó mới xử lý hành chính và thu hồi giấy phép.
Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT điện tử cũng cho biết, Nghị định số 71/2022 đã sửa đổi, bổ sung 15/32 Điều của Nghị định số 06/2016 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 10-1-2023, sẽ đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển.
“Theo Nghị định 06 trước đây, phạm vi quy định chỉ bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên internet thông qua các địa chỉ web thì nay sửa đổi bổ sung thêm ‘ứng dụng internet’. Điều đó có nghĩa là các ứng dụng di động OTT xuyên biên giới giờ đây không thể nằm ngoài vòng pháp luật. Khung khổ pháp lý mới hiện tại là cơ sở để kiến tạo một cuộc đua bình đẳng hơn”- ông Nguyễn Hà Yên cho biết.
Điểm quan trọng tiếp theo của Nghị định 71 là bổ sung thêm quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung theo yêu cầu (VOD). Theo đó, nội dung VOD được phân thành 3 nhóm để thực hiện, gồm:
Đối với các chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: Phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.
Đối với phim: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại.
Đối với chương trình thể thao, giải trí: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ TT&TT và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.