“Doanh nghiệp (DN) của tôi bị Tổng cục Hải quan gây khó dễ suốt sáu tháng qua khiến việc sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng” - bà Phạm Thị Minh Trang, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Y tế Danameco, nói tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng với các DN sáng 24-6.
Gạc y tế bị áp thuế vải
Bà Trang cho hay Danameco được phép sản xuất loại băng gạc y tế theo chiến lược y tế quốc gia của Bộ Y tế. Tổng công ty phải thường xuyên nhập khẩu vật liệu dệt từ sợi bông còn ở dạng nguyên liệu. Loại nguyên liệu này chưa được quy định trong biểu thuế nhập khẩu.
“Vì vậy trong quá trình làm thủ tục nhập hàng, tổng công ty áp mã số 3005 (bông, gạc băng và các sản phẩm tương tự) và nhiều năm nay được Hải quan Đà Nẵng chấp thuận. Thậm chí chúng tôi còn được khen là DN thực hiện thuế, minh bạch tài chính tốt nhất. Tuy nhiên, mới đây sau khi kiểm tra (cuối năm 2015) thì Tổng cục Hải quan lại áp thuế nhập khẩu nguyên liệu gạc là vải, mã số 5208. Trong khi đó, vải khác với gạc về mặt bản chất, về tiêu chí và cả về hóa lý. Chúng tôi cãi thế nào họ cũng không chịu” - bà Trang bức xúc.
Với việc bị áp thuế nhập khẩu nguyên liệu là vải, mức thuế mà Danameco phải đóng là 12% (chứ không phải 7% như trước đây) và thuế GTGT là 10% chứ không phải 5% như trước. Vì vậy, Tổng cục Hải quan yêu cầu Danameco phải nộp bổ sung trên 7,9 tỉ đồng tiền thuế.
Bà Phạm Thị Minh Trang, Chủ tịch HĐQT Danameco, đang trình bày sự việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Ảnh: L.PHI
Tổng cục Hải quan làm sai chính sách thuế
Đáng chú ý, mức thuế nhập khẩu nguyên liệu 12% mà Tổng cục Hải quan áp dụng đối với Danameco là cao hơn cả thuế nhập khẩu gạc thành phẩm, chỉ 8%. “Áp thuế nhập khẩu nguyên liệu cao hơn thành phẩm như thế thì bóp chết sản xuất. Người ta sẽ đi nhập gạc thành phẩm về bán cho khỏe chứ đi nhập nguyên liệu về sản xuất chi cho khổ” - bà Trang nói.
Không thuyết phục được Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Danameco đã gửi văn bản cầu cứu Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Sau đó, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế có công văn trả lời việc Danameco áp mã số 3005 cho nguyên liệu làm gạc là phù hợp và “sản phẩm vải thông thường không có tính chất tương tự và không thể thay thế cho gạc y tế được”.
Trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan ngày 25-1, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cũng cho rằng: “Áp thuế nhập nguyên liệu 12% cao hơn thuế nhập khẩu thành phẩm 8% là trái với nguyên tắc xây dựng chính sách thuế, không khuyến khích DN sản xuất mà chuyển sang nhập khẩu”.
Ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan TP Đà Nẵng, thừa nhận những bức xúc của Danameco là có cơ sở. Tổng cục Hải quan cũng đã nhận thấy những bất cập mà Danameco nêu nên tới đây sẽ sửa đổi lại về biểu thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gạc nói trên. “Nếu không chấp nhận kết luận của Thanh tra Tổng cục Hải quan, DN có thể khởi kiện ra tòa” - ông Thọ nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lập tức chỉ đạo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Cục Thuế TP nghiên cứu, làm việc với Tổng cục Hải quan để tìm hướng giải quyết cho DN. “Tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội ra Quốc hội chất vấn vấn đề này để bảo vệ quyền lợi cho DN” - ông Thơ nói thêm.
Ông Thơ cũng cho rằng đây là biểu hiện của việc làm khó DN. “Thuế nguyên liệu mà cao hơn thuế thành phẩm thì thật khó hiểu. Sắp tới họp với Chính phủ, vấn đề này cần được nêu ra để hỗ trợ DN” - ông Thơ nói.
Những sai sót chính sách thuế như vậy trước sau gì thì cũng phải sửa chữa, thay đổi. Tuy nhiên, đã sáu tháng trôi qua mà Tổng cục Hải quan chưa giải quyết được cho DN là quá chậm. Ông HUỲNH ĐỨC THƠ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng |