Tháng 2.1949, trong khi đào đất làm đường, người dân làng Ndut Liêng Krắk (nay thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) phát hiện 11 thanh đá có âm thanh lạ. Nhà dân tộc học người Pháp G.Condominas đã nghiên cứu và kết luận đây là bộ đàn đá thời tiền sử, niên đại 4.000 - 10.000 năm.
Bộ đàn trên đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Con người ở Paris (Pháp) và theo tư liệu của G.Condominas, VN còn hai bộ đàn đá khác: một bộ được phát hiện trong khi mở đường và do một đại úy người Mỹ đã lấy đi; một bộ được chụp ảnh, với ước lượng về chiều dài, chiều rộng, độ dày, khối lượng và còn ở VN.
40 năm cất giấu bảo vật
Bộ đàn đá Khánh Sơn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa. Ông Lê Chí Hướng, Giám đốc Bảo tàng cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiến hành thủ tục đề nghị công nhận đàn đá Khánh Sơn là bảo vật quốc gia. |
Từ thông tin này, nhiều người cho rằng ở nước ta vẫn còn những bộ đàn đá cổ khác. Nhận định này quả không sai. Cuối năm 1978, cơ quan chức năng nhận được tin: gia đình ông Bo Bo Ren, người Raglai, ở thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp (nay thuộc huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) từ lâu đã cất giấu một bộ đàn đá cổ. Bộ đàn này sẽ được đem ra biểu diễn nhân dịp Nhà nước tuyên dương Trung Hạp là xã Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu âm nhạc VN và Ty Văn hóa - Thông tin Phú Khánh lúc đó đã đến Khánh Sơn gặp ông Bo Bo Ren.
Ông Bo Bo Ren, trạc 50 tuổi, kể: khoảng 40 năm trước, ông cùng thân sinh là cụ Bo Bo Sung (đã mất) lên rừng đào củ mài. Tại vùng Giốc Gạo, cha con ông phát hiện 12 thanh đá có dấu vết bàn tay con người ghè đẽo. Gõ vào thanh đá thì âm vang lên, trong và đanh như tiếng sắt, tiếng đồng. Cùng lúc gõ nhiều thanh đá thì âm đan xen “như cãi nhau, rất vui tai”. Ngoài những thanh đá, còn có hai hòn đá nhỏ hình dạng như quả dưa chuột, có lẽ dùng để gõ; nhiều mảnh đá hình thang, có lẽ dùng để kê các thanh đá...
Ngoài bộ đàn đá trên, cụ Bo Bo Sung còn một bộ 9 thanh đá, dùng để giữ rẫy: những thanh đá được treo bằng dây, mỗi thanh buộc thêm hòn đá nhỏ lủng lẳng. Những sợi dây buộc đá nhỏ được nối với dây gàu múc nước dưới suối. Sức nước kéo đá nhỏ đập vào thanh đá, tạo ra âm thanh có tác dụng đuổi thú phá rẫy. Năm 1964, bộ 9 thanh đá này bị bom Mỹ phá vỡ.
Để bảo quản bộ đàn đá, ông Bo Bo Ren đã chôn 12 thanh đá ở nhiều nơi cách xa nhau. Ngày 28.2.1979, ông Bo Bo Ren đã bàn giao 5 thanh đá cho chính quyền địa phương. Ngày 24.3.1979, ông hướng dẫn đoàn công tác tìm được 7 thanh còn lại.
Dàn âm thanh vô giá
Báo cáo ngày 10.9.1979 của Viện Nghiên cứu âm nhạc VN cho biết: ông Bo Bo Ren tự xếp 12 thanh đá thành 2 bộ (được ký hiệu là A và B). Khi xếp hai bộ nối tiếp nhau theo thứ tự âm từ thấp đến cao, thì 12 âm liền nhau như chỉ có một bộ duy nhất. Vấn đề đặt ra là: người tiền sử không biết nhạc lý, không có phương tiện đo tần số âm thanh, vậy họ chỉnh âm của từng thanh đá như thế nào?
Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thiết: thang âm của đàn đá Khánh Sơn phỏng theo cao độ của tầm cữ dân ca. Cao độ của các thanh đá đều nằm trong một âm khu rất hợp với thanh đới; âm của hai bộ A và B cách nhau xuýt xoát một quãng 8. Phải chăng bộ B phỏng theo giọng nam, bộ A theo giọng nữ, một “trống” một “mái” hòa giọng với nhau?
Trong khi đó, theo kết luận của Hội đồng khoa học về đàn đá thì: 12 thanh đá nêu trên hợp thành một bộ đàn tổng hợp theo mô hình đàn T’rưng (các thanh nứa được thay bằng những thanh đá); có thể chia bộ đàn này thành 2 bộ nhỏ, mỗi bộ 6 thanh. Bộ đàn đá trên có thể dùng biểu diễn một số điệu dân ca quen thuộc của các dân tộc Tây Nguyên; cũng có thể sáng tác những giai điệu mới theo phong cách Tây Nguyên cho bộ đàn đá này...
Cũng theo nhận định của nhóm nghiên cứu, bộ đàn đá Khánh Sơn do con người chế tác từ thời tiền sử, có tuổi từ 2.000 - 5.000 năm. Mỗi thanh đá có một hoặc hai vết mòn nhẵn do gõ. Điểm mòn cũng là chỗ gõ tạo ra âm thanh vang nhất. Điều này chứng tỏ bộ đàn đã được sử dụng khá lâu, trước khi gia đình ông Bo Bo Ren phát hiện; và người xưa đã biết chọn điểm gõ chính xác.
Về chất liệu, đàn đá Khánh Sơn được làm từ đá rhyolite porphyre, loại đá có ở nhiều nơi trong vùng Khánh Sơn. Điều này cho phép tin rằng đàn đá Khánh Sơn được chế tác tại chỗ chứ không phải được mang đến từ nơi khác.
Theo Xuân Hoà (TNO)