. Phóng viên: Thưa ông, việc cấp, đổi GPLX qua tổng đài 1081 sẽ diễn ra như thế nào?
Khi trao đổi với nhân viên tổng đài, người dân cần cung cấp các thông tin gồm: họ tên người đổi GPLX; số CMND, ngày cấp, nơi cấp; tình trạng GPLX (hết hạn, rách, gãy, còn hạn nhưng muốn đổi qua bằng nhựa PET) hoặc bị mất; ngày, tháng, năm sinh, số điện thoại liên hệ… và ngày, giờ mình dự định đi cấp, đổi GPLX. Sau khi cập nhật thông tin với Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, điện thoại viên của tổng đài sẽ “cấp số” cho người dân với ngày, giờ cụ thể. Đúng ngày, giờ đó, người dân đến điểm 252 Lý Chính Thắng, quận 3 để được giải quyết mà không phải chờ đợi lâu như trước đây.
. Vì sao người dân đã cung cấp đủ thông tin nhưng vẫn phải trực tiếp đến 252 làm thủ tục cấp, đổi bằng lái?
+ Đó là vì họ vẫn phải làm các thủ tục theo quy định, chụp ảnh để lưu hồ sơ và in lên bằng lái nhựa PET.
. Đăng ký qua tổng đài 1081, người dân sẽ được hỗ trợ gì nữa?
+ Như đã nói ở trên, nhân viên tổng đài sẽ hướng dẫn những giấy tờ mà người dân cần mang theo khi đến 252 như: Hai ảnh 3 x 4 chụp theo kiểu CMND, GPLX cũ gồm bản chính và bản sao (không cần công chứng) và đơn đề nghị cấp, đổi GPLX (có thể lấy trước từ trang web của Sở GTVT, http://sgtvt.hochiminhcity.gov.vn). Nếu các thông tin trên CMND và GPLX khác nhau, người dân cần mang theo hộ khẩu để đối chiếu.
Điểm cấp, đổi GPLX qua tổng đài 1081 tại 252 Lý Chính Thắng đã chuẩn bị đi vào hoạt động từ ngày 9-3. (Ảnh chụp sáng 3-3) Ảnh: L.ĐỨC
Một lưu ý khác là người dân cần đến đúng ngày, giờ đã được nhân viên tổng đài cung cấp. Nếu tới trễ sẽ phải chờ đợi nhân viên của phòng sắp xếp đổi bằng sau những người khác đã đến số, lượt.
. Lệ phí và phí cấp đổi GPLX qua tổng đài 1081 ra sao, thưa ông?
+ Lệ phí cấp, đổi GPLX qua tổng đài 1081 vẫn là 135.000 đồng/người. Riêng mức phí khi gọi đến tổng đài 1081 nếu gọi từ điện thoại cố định tại TP.HCM sẽ là 2.000 đồng/phút, gọi từ điện thoại di động và điện thoại cố định từ các tỉnh là 3.000 đồng (trừ hãng Viettel là 4.000 đồng/phút).
. Ông có đánh giá sơ bộ gì về mô hình mới này?
+ Việc này sẽ rút ngắn thời gian và giảm chi phí đi lại cho người dân. Sau khoảng ba tháng thí điểm ở 252 Lý Chính Thắng (với khoảng 100 số thứ tự/ngày), chúng tôi sẽ mở rộng mô hình này ở các điểm cấp, đổi GPLX khác có đủ điều kiện về thiết bị kỹ thuật, mạng.
. Người dân vẫn muốn Sở GTVT có nhiều cải cách thủ tục hành chính hơn nữa, như trả GPLX được cấp, đổi tại nhà qua bưu điện…
+ Chúng tôi đang kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT không cần cắt góc với bằng lái cũ đổi khi hết hạn. Nếu được như thế thì có thể trả bằng lái mới qua bưu điện (biện pháp này cũng áp dụng với người bị mất bằng lái) và người dân được giữ lại bằng lái giấy cũ không bị cắt góc để làm kỷ niệm. Riêng người dân có bằng lái còn hạn sử dụng thì vẫn phải đem đến 252 Lý Chính Thắng (hoặc đến các điểm khác sau này) để cắt góc nhằm tránh cùng lúc họ sử dụng hai loại bằng lái giấy và nhựa PET!
. Xin cám ơn ông.