Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý đầu tư phát triển ngành hàng không phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về năng lực giám sát của nhà chức trách, năng lực của các doanh nghiệp hàng không theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 214/2019.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết hiện các cơ sở đào tạo phi công của Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để đào tạo độc lập, phải hợp tác với cơ sở đào tạo nước ngoài.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có không ít đề án mở trường đào tạo phi công dân dụng, đào tạo huấn luyện bay thực hành trong nước. Đề án đầu tiên triển khai từ những năm 1995. Đến nay dù một số máy bay huấn luyện đã nhập về nhưng chưa thể cất cánh do vướng quy định. Chỉ duy nhất trường phi công Bay Việt (thuộc Bộ GTVT) đào tạo được một phần lý thuyết trong nước, còn phần thực hành bay vẫn phải ra nước ngoài.
Nhiều hãng hàng không ra đời sẽ gây áp lực đối với năng lực quản lý của nhà nước.
Trong khi chưa thể tự chủ đào tạo thì Cục Hàng không cho biết dự kiến nhu cầu phi công cho các hãng hàng không tính đến năm 2020 đang thiếu 14 phi công và 336 nhân viên kỹ thuật. Đến năm 2021 thiếu 258 phi công và 628 kỹ thuật viên và năm năm tới, ngành hàng không cần bổ sung thêm 1.225 phi công và 1.728 nhân viên kỹ thuật.
Không chỉ thiếu nhân lực phi công người Việt đáp ứng nhu cầu cho các hãng hàng không, ngay nhân lực của Cục Hàng không để giám sát hoạt động này cũng thiếu.
Điển hình là hồi tháng 4 vừa qua, khi một hãng hàng không xin được tăng số lượng tàu bay khai thác từ 10 chiếc lên 40 chiếc trong năm 2019, Cục Hàng không đã phải “kêu khó”, khi nhân lực giám sát an toàn của cơ quan này chỉ đủ giám sát 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam. Nếu tăng thêm 40 chiếc nữa, sẽ vượt quá năng lực giám sát 21 chiếc.
Ngoài ra, máy bay mới liên tục được các hãng hàng không mua về với công nghệ thay đổi, yêu cầu phải đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý liên tục với đội ngũ cán bộ công chức của Cục Hàng không trong khi kinh phí, ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động này rất thiếu và hạn hẹp.
Cơ quan này cho hay tới năm 2025 cần bổ sung thêm khoảng 100 giám sát viên an toàn. Thế nhưng thay vì tăng thêm người thì hằng năm Cục Hàng không đang phải thực hiện tinh giảm biên chế theo chủ trương chung. Thậm chí hiện Cục Hàng không đang đối mặt nguy cơ chảy máu chất xám khi một số nhân sự giỏi liên tục nhận được lời mời từ các hãng hàng không với nhiều chế độ đãi ngộ vượt trội.