Đó là tình cảnh đang diễn ra tại các nhà máy thủy điện thuộc khu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (Quảng Nam) và Tây Nguyên.
Ưu tiên tích nước cho hạ du
Những ngày qua, các địa phương phía hạ du của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đang đối diện với ngập lụt, lượng mưa rất to, thế nhưng với các huyện miền núi phía Tây lại có lượng mưa rất ít. Các hồ thủy điện nơi đây đang thiếu nước trầm trọng.
Chỉ tay về phía hồ thủy điện Sông Tranh 2, ông Vũ Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, cho biết năm 2018 tình hình thủy văn lưu vực hồ chứa diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Các tháng đầu năm tình hình thủy văn rất tốt, song mùa lũ năm 2018 tình hình thủy văn hồ chứa Sông Tranh 2 rất xấu, lưu lượng nước về hồ rất thấp. Riêng tháng 11, lưu lượng nước về hồ thấp nhất trong 45 năm qua của lưu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.
“Với lưu lượng nước về hồ thấp như trên thì mực nước và dung tích của hồ chứa thủy điện Sông Tranh hiện tại cũng đang ở mức rất thấp. Cụ thể, lúc 15 giờ ngày 7-12, mực nước hồ đang ở cao trình 149,72 m, chỉ cao hơn mực nước chết 9,72 m (mực nước chết 140 m), thấp hơn mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình liên hồ 21,06 m (mực nước tối thiểu 170,8 m) và thấp hơn mực nước dâng bình thường của hồ chứa 25,28 m (mực nước dâng bình thường 175 m). Theo đó, dung tích hữu ích của hồ thiếu hụt so với dung tích tối thiểu theo yêu cầu của quy trình liên hồ là 332 triệu m3 và thiếu hụt so với dung tích khi đầy hồ (hồ đạt mực nước dâng bình thường) là 418 triệu m3” - ông Lân nói.
Với tình hình trên, theo ông Lân, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã chủ động thực hiện việc giảm lưu lượng phát điện, ưu tiên tích nước hồ chứa từ giữa mùa lũ cho đến nay để phục vụ sản xuất, tưới tiêu vùng hạ du. “Với mục tiêu như vậy, công ty đã ưu tiên cho kế hoạch tích nước thay vì phát điện và năm nay thì chắc chắn rằng sản lượng điện của công ty không đạt như kế hoạch. Chúng tôi đã tính toán trường hợp cực đoan nhất và sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Nam để lên kế hoạch sử dụng nước hợp lý cho từng năm và có thể nói là chắt chiu từng giọt nước để phục vụ cho công tác sản xuất nông nghiệp cũng như tham gia đẩy mạnh phát triển kinh tế cho khu vực hạ du” - ông Lân khẳng định.
Ảnh hưởng sản xuất kinh doanh
Tương tự, theo ông Ngô Xuân Thế, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, lưu lượng nước về hồ thủy điện A Vương chỉ còn khoảng 11,3 m3/giây, nhỏ hơn rất nhiều so với lưu lượng trung bình các năm (khoảng 80-100 m3/giây). Với tình hình thủy văn hiện tại và dự báo hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện từ nay đến tháng 4-2019, việc tích nước và đảm bảo mực nước theo quy định cũng như việc đảm bảo lượng nước cho vùng hạ du trong mùa khô 2019 sẽ rất khó khăn.
Lãnh đạo các công ty thủy điện A Vương, Sông Bung đều khẳng định việc các nhà máy thiếu nước cho phát điện đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đặc biệt, với tình hình thủy văn như hiện nay sẽ tác động không nhỏ đến việc cung ứng điện lên hệ thống điện quốc gia.
Không chỉ ở miền Trung, các nhà máy thủy điện tại khu vực Tây Nguyên cũng đang chịu áp lực với việc thiếu nước cho phát điện. Ông Đinh Viết Thiện, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy, cho biết hiện hồ Ialy còn thiếu 172 triệu m3 nước, tương đương với 85,3 triệu kWh; thủy điện Sê San 3 thiếu 28,43 triệu kWh. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì mùa khô năm 2019 sẽ xuất hiện hiện tượng El Nino, do đó sẽ kéo theo thời tiết khô hạn. Biểu hiện của hiện tượng này là lưu lượng về hồ từ tháng 1 đến tháng 6-2019 ít hơn nhiều so với năm 2018 và trung bình nhiều năm. Như vậy, năm 2019, các hồ thủy điện có nguy cơ thiếu nước lớn.
“Nhận định tình hình thủy văn như trên, phía Công ty Thủy điện Ialy sẽ có báo cáo đề xuất gửi Cục tài Nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề khai thác nước hồ chứa hợp lý để đảo bảo lưu lượng xả về hạ du trong cuối mùa khô 2019” - ông Thiện chia sẻ.