Ông Lê Quốc Vũ (Sóc Trăng) sẽ nghỉ hưu vào ngày 1/4/2017, ông có 39 năm 7 tháng công tác. Vậy, trước khi nghỉ hưu ông Vũ có được hưởng chế độ do đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên 30 năm không? Cách tính lương hưu của ông như thế nào?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật bảo từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Khoản 1, Điều 58 Luật BHXH quy định, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần, Điều 62 Luật BHXH quy định, đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 mà có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Trường hợp của ông Vũ, khi nghỉ hưu (tháng 4/2017) nếu ông đã đủ 60 tuổi thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, mức hưởng được thực hiện theo quy định Khoản 1, Điều 58 Luật BHXH nêu trên.
Về cách tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, cơ quan BHXH sẽ căn cứ diễn biến thời gian đã đóng BHXH, tiền lương thực tế được ghi nhận tại sổ BHXH để xem xét, giải quyết theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Để được biết chi tiết, đề nghị ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi ông đang đóng BHXH để được trả lời.
Theo Chinhphu.vn