Sáu Lùn quê xã Phú Túc (Châu Thành), là con một đảng viên kỳ cựu, bản thân cũng là đảng viên. Sáu Lùn tên thật là Trần Quang Bính, mặt tròn, trán rộng, dáng người thấp bé nên dân làng gọi thành tục danh. Một hôm, vào tháng 12-1955, ông Mười Khước dẫn Sáu Lùn đến nhà ông Mười Trác ở Sơn Đốc (Hiệp Hưng), một cơ sở đặc biệt tin cậy. Sau khi vào buồng hội kiến với một ông già phúc hậu, mắt sáng, râu dài, vóc người tầm thước, Bí thư Tỉnh ủy giới thiệu Sáu Lùn với một cán bộ trẻ của Tỉnh ủy rồi nói với Sáu: "Đây là bác Chín, cán bộ của Đảng. Tỉnh ủy chuyển đồng chí qua bảo vệ và làm thơ ký cho bác…". Năm ấy Sáu Lùn 23 tuổi. Bác Chín vỗ vai và hỏi chuyện thân mật. Chỗ làm việc của hai bác cháu lúc đó là trên chiếc giường đôi buông mùng để sát tủ thờ; mở cánh tủ thờ, bên dưới là hầm bí mật.
Đồng chí Lê Duẩn trong lần về thăm và làm việc tại một địa phương.
Ban đầu, cứ đôi ba ngày, Sáu Lùn từ chỗ ông Mười Khước tiếp nhận qua đường dây bí mật những thư từ, văn kiện từ trên gửi về, đem đến đọc cho bác Chín nghe và viết thư hồi âm… Cuối thư bác bảo viết hai chữ nho: "tam chi". Sáu Lùn viết chữ "chi" có chấm đầu đúng sách, nhưng bác Chín bảo bỏ dấu chấm đầu, anh biện hộ, bác vỗ vai cười hiền nói: "Phải, nhưng bác lại không cần dấu chấm đầu". Anh nghe mà anh chẳng hiểu gì hết. Có lần đọc tin Trung ương Đảng khai mạc, có câu bác bảo đọc lại hai lần: "Riêng đồng chí Lê Duẩn vắng mặt vì bận đi công tác ở Liên Xô". Sáu Lùn cảm nhận có điều gì bí ẩn nhưng tuyệt nhiên không dám tò mò.
Bác Chín làm việc cật lực, gần như không có giây phút rảnh rang. Có nhiều ngày liền, Sáu Lùn quỳ mọp trên giường để viết. Bác Chín nghĩ nhiều, cân nhắc từng câu từng chữ rồi mới đọc cho anh viết; lắm lúc bác nói một mạch làm anh viết quýu tay không kịp. Có một câu bác nhấn mạnh mà Sáu Lùn nhớ mãi: "Vị trí của cách mạng miền Nam là vô cùng quan trọng đối với Đông Dương". Viết xong hàng mấy chục trang, bác bảo đọc lại cho nghe vài ba lần rồi bác bảo đốt đi.
Thường ngày bác Chín luôn theo dõi các báo của Sài Gòn và báo của Pháp như tờ Humanité, France Soir… Đọc được tin Norodom Sihanouk chuẩn bị trở về Campuchia, nhận định Campuchia sẽ trung lập, bác Chín kêu Sáu Lùn viết thư khẩn, tuyệt mật gửi về Xứ ủy, đặt cơ sở tại Sài Gòn. Thư viết xong, nhưng bác Chín kêu hủy bỏ, bảo Sáu Lùn đi Sài Gòn, học thuộc lòng để truyền đạt trực tiếp ngắn gọn: "Xúc tiến ngay việc đưa người qua Campuchia xây dựng căn cứ, chuẩn bị dời đại bộ phận cơ quan sang đó!". Bác Chín kiểm tra nhiều lần, nhắc đi nhắc lại ám hiệu, mật khẩu mới cho Sáu Lùn đi.
Một hôm nhà ông Mười có đám giỗ, cô con gái lấy chồng xa về, bà Mười lu bu quên chuyện giữ bí mật. Cô con gái vô buồng trông thấy hai người đàn ông ngồi trong mùng, la hoảng. Bà Mười trấn an không có chuyện gì xảy ra. Nhưng bác Chín bảo dời chỗ. Được trên mật báo, địch ở Sài Gòn xác nhận Bí thư Trung ương cục Lê Duẩn còn ở lại miền Nam, chúng lùng ở Cà Mau chưa ra, nghi đã về Bến Tre. Ý thức cảnh giác, trước đó bác đã bảo chị Ba Định chỉ đạo đội "đặc nhiệm" bảo vệ bác chuẩn bị mấy cơ sở dự phòng và bảo Sáu Lùn chuẩn bị căn cứ nổi lưu động trên sông...
Dời về Hương Điểm, ở nhà bác Ba Quy, bác Chín và Sáu Lùn lại tiếp tục làm việc trong mùng, bên dưới là hầm bí mật. Khoảng một tháng thì có tin mật vụ dò la; lại chuyển về Tân Hào, ở nhà ông Chín Lương. Chưa được bao lâu thám báo dồn về đây. Lại trở về nhà ông bà Mười Trác. Thời gian này bác Chín bận rộn chuẩn bị hội nghị liên tỉnh phía Nam. Vào giữa tháng 4 năm 1956, hội nghị liên tỉnh được bí mật tiến hành trong hai ngày tại xã Lương Phú (Giồng Trôm). Nội dung chủ yếu là bác Chín nghe các tỉnh báo cáo tình hình. Hội nghị mới một ngày, Sáu Lùn đến gặp chị Ba đang dự hội nghị, lo lắng báo tin:
- Có động, chị Ba ơi! Thám báo đánh hơi nhà bác Mười Trác. Nghi lộ bác Chín quá!
- Tình hình tại đây, cậu có nắm được không?
- Chưa nghe gì.
Lặng im chau đôi mày rậm một lúc, chị Ba giọng nhỏ nhẻ:
- Cậu Sáu phải qua Mỏ Cày ngay; gặp Chín Bê huyện ủy, bảo chọn cho một chỗ ở đặc biệt tin cậy. Cậu cùng với bên đó chuẩn bị ghe hứng Bảy Mật qua rước bác Chín. Bảo cô Sết vợ cậu về nhà ông Mười Trác coi thu gom cho gọn mọi dấu vết. Vật dùng, quần áo của bác Chín cũng đem theo luôn và hẹn điểm tổ chức dẫn đường ra bến sông Hàm Luông.
... Ngày 5/7/1956, Sáu Lùn đi Sài Gòn về, đưa bác Chín lên đường về trên. Theo kế hoạch sắp đặt và bố trí đội bảo vệ cảnh giới, Bảy Mật chèo ghe hứng đưa bác Chín đến điểm hẹn là Vàm ngã ba Cây Da - Hiệp Hưng, đúng 5 giờ chiều. Đôi bên sắp giao nhận, bỗng nghe tiếng la từ trên bờ gần đó. Tiếp theo là một loạt súng nổ. Vừa lúc có một người chạy vọt ra đồng. Sáu Lùn ngó theo, thấy anh thanh niên tay cầm cây roi giữ vịt, chắc trốn lính, bị lính rượt, chạy gần điểm của Bảy Mật đậu ghe chở bác Chín. Tụi lính mải mê đuổi theo anh giữ vịt, không phát hiện ra ghe của Bảy Mật. Vợ chồng Sáu Lùn tức tốc dìu bác Chín qua ghe mình, không kịp nói với Bảy Mật tiếng nào, vọt đi luôn. Bảy Mật cũng vậy, chẳng kịp chào tạm biệt bác Chín. Hai ghe đều lo bơi chèo, tản nhanh.
Mở hết tốc lực, cô Sết cùng Sáu Lùn, chồng chèo, vợ bơi không kịp thở, cứ sợ địch đuổi theo. Vừa ra tới sông Hàm Luông thì một chiếc tàu nhà binh cặp mé bên này từ vàm Bến Tre chạy xuống. Sông rộng, từ xa nhìn thông thống.
- Tàu đã thấy ghe mình rồi! - Cô Sết kêu lên thảng thốt.
Nghe vợ kêu, Sáu Lùn miệng động viên "bình tĩnh" mà thót ruột. Bây giờ quay trở vô cũng không kịp, không chừng lại đụng lính. Mình lộ vẻ sợ, chắc chắn tàu địch thấy sẽ đuổi theo! Nghĩ đoạn, Sáu Lùn cả quyết hô vợ:
- Em bơi mạnh lên! Cứ lướt tới thôi! Mặc kệ tàu!
Phút chốc chiếc tàu ào qua ngược chiều mũi ghe. Cô Sết khom tấm lưng thon gầy vươn tới, bơi mạnh cật lực. Đến giữa sông, mây đen kéo đến vần vũ tối mịt bầu trời. Gió thổi ngược ào ào. Mưa tuôn xối xả. Ghe có mui, gọng hứng kềnh càng, gió bê, sóng dồi dữ dội, vợ chồng Sáu Lùn run trong bụng song cố giữ vững tinh thần, bơi chèo bền bỉ. Khi ghe chưa qua được hai phần sông, bỗng một chiếc tàu lớn từ dưới Tân Thủy lù lù chạy lên thẳng hướng ghe Sáu Lùn đang qua sông. Trời chưa tối, tạnh mưa, mặt sông vẫn sáng đến mức đọc rõ những chữ số trên thân tàu. Hướng vàm Băng Cung bên trái phía trước, cũng có nhiều chiếc tàu cắm cờ ba sọc rụ máy lớn chạy lên, súng nổ và lính la hét ầm ĩ ! Vợ chồng Sáu Lùn ráng sức chèo nhanh vô bờ. Đang lúc nguy nan, lại gãy bánh lái ghe, tay lái văng xuống sông! Chiếc ghe điều khiển bằng chèo một cây bất kham. Lênh đênh giữa dòng, sóng lừng, gió mạnh đánh bạt mũi ghe quay cuồng. Sáu Lùn nghĩ: chạy cũng không khỏi được tàu, bèn nói với bác Chín:
- Thưa bác Chín. Chỉ còn nước hợp pháp với nó thôi! Em Sết! Lấy khăn choàng đầu cho Bác Chín rồi banh miệng hứng ra cho bác làm bộ ngồi vá. Còn em nhóm lửa nấu cơm. Cô Sết thực hiện nhanh ý chồng. Bác Chín y hệt một ngư dân ngồi vá lưới. Khi chiếc tàu địch gần tới, Sáu Lùn hỏi bác Chín:
- Cho phép con chủ động ngoắc tàu nó cho mình dòng dây kéo? - Bác Chín gật đầu. Sáu Lùn vừa ngoắc vừa la réo giọng thảm thiết - Ghe hứng tôi gặp nạn, gãy bánh lái lênh đênh giữa dòng, phần sóng to gió ngược, các ngài quân đội quốc gia làm ơn cho dòng dây kéo cứu hô-ộ-ộ!…
Chiếc tàu tốp máy, cặp sát ghe cho Sáu Lùn cầm dây dòng nhảy lên tàu, kéo ghe chạy theo. Vài tên lính chỉ ngó vào trong mui thấy ông già đen hù ngồi vá lưới và người đàn bà nấu cơm, rồi thôi chẳng tỏ ra nghi ngờ gì. Sáu Lùn làm quen với tụi lính, hỏi dò tình hình mới biết là hôm ấy địch mở cuộc càn lớn vào Thạnh Phú. Tàu kéo ghe chạy theo được khá xa, Sáu Lùn làm bộ duột dây dòng, nhảy ùm xuông sông. Bọn lính tưởng thiệt, cười om sòm, chạy luôn...
Có một kỷ niệm mà không bao giờ Sáu Lùn có thể quên. Lần ấy, vợ chồng anh chèo ghe đi trước nắm tình hình. Lúc trở về, anh nghĩ, nếu chèo nước ngược vòng lên hết mỏm cù lao Thới Sơn thì lâu, sợ bác Chín mong mà cha cũng lo lắng nên anh bảo vợ đậu ghe bên này cù lao, một mình lên đi bộ băng tắt ngang về cho nhanh, để vợ chèo ghe về sau. Khi được nghe báo tình hình, bác Chín hỏi:
- Thím Sết đâu?
- Thưa bác. Vợ con giữ ghe bên kia cù lao.
- Chú quay trở lại rước thím ấy về ngay! Đêm tối, sông nước mênh mông, thân gái một mình! Sao mà chú bỏ thím ấy một mình, vậy là không được! Đi rước thím Sết về ngay!
Đúng là vợ mình rất sợ đêm tối mà sao lúc bấy giờ Sáu Lùn không kịp nhớ. Lần đầu Sáu Lùn mới thấy bác Chín có vẻ giận, giọng xẳng lè. Hồi mới gặp, bác nói giọng miền Trung khó nghe nhưng nghe quen rồi trở nên thân thương, đến giờ bị bác Chín rầy nghe ngọt ngào, cảm động ứa nước mắt!
Sau này, vợ chồng Sáu Lùn được điều lên Sài Gòn hoạt động, bởi anh bị địch ở Bến Tre theo dõi. Anh gặp lại Dương Vi Tươi, được nghe kể về bác Chín lên Sài Gòn: “ở điểm nào hễ vừa đi là địch tới chụp, chụp vét ót hoài; cho đến nay ổng chắc ra tới Hà Nội rồi”. Anh Tươi nói thêm một câu thân mật: "Ông Ba Lê Duẩn gởi lời thăm vợ chồng mầy". Sáu Lùn ngớ ra, mình chưa hề quen tên người này bao giờ? Lục vấn ký ức mãi anh mới nhớ ra lần đầu viết thư cho bác Chín ký, viết hai chữ nho "tam chi", bác bảo bỏ chấm đầu chữ chi. Thì ra: tam là Ba, chi không có chấm đầu là chữ Z. Từng nghe tên tuổi Bí thư Trung ương Cục, vậy mà bấy lâu kề cận… Sáu Lùn khẽ nhìn cườm tay mình đang đeo cái đồng hồ Oméga của ông Ba Lê Duẩn tặng, lòng cảm nghe sung sướng bồi hồi!
Theo Thanh Giang (VNCA)