Đông Ukraine lại thành tâm điểm đối đầu Nga - phương Tây
Ngày 3-4, trang Facebook chính thức của quân đội Ukraine ra thông báo sẽ tiến hành nhiều đợt tập trận chung với lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vài tháng tới, theo hãng tin Reuters. Thông báo còn nêu rõ đợt tập trận sẽ huy động hơn 1.000 binh sĩ từ ít nhất năm quốc gia thành viên NATO. Các đơn vị tham gia sẽ luyện tập kế hoạch phòng thủ và phản công giả định trong trường hợp bị “một quốc gia láng giềng tấn công”.
Dù không nói rõ tên quốc gia cụ thể nhưng nhiều khả năng Ukraine đang muốn ám chỉ Nga, trong bối cảnh quan hệ hai bên đang căng thẳng do xung đột leo thang gần đây ở chiến trường Donbass thuộc miền đông Ukraine.
Theo tờ The New York Times, Moscow và Kiev từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm cả hai thỏa thuận Minsk-1 và Minsk-2 về lập lại hòa bình ở Donbass. Vùng Donbass là nơi các binh sĩ Ukraine đối đầu với các lực lượng ly khai thân Nga, với ước tính 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này kể từ năm 2014 đến nay.
Nga sẵn sàng can thiệp Donbass
Đài CNN cho biết những ngày vừa qua, các đơn vị chiến đấu của cả quân đội Ukraine lẫn phe ly khai tại Donbass đều đang trong tình trạng báo động ở mức cao nhất sau vụ bốn binh sĩ Ukraine thiệt mạng tại thôn Suma. Kiev cáo buộc phe ly khai chủ động nổ súng sát hại, song lực lượng này bác bỏ và khẳng định bốn binh sĩ thiệt mạng do giẫm phải mìn.
Hồi cuối tháng 3, phía quân đội Ukraine từng tuyên bố sẵn sàng mở chiến dịch tấn công Donbass ngay khi được lệnh từ chính quyền. Việc Nga gần đây thúc đẩy kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 khiến Ukraine thêm quyết tâm hành động, bởi dự án này cho phép Nga bỏ qua đường ống ở Ukraine và không phải trả cho nước này khoản phí trung chuyển đắt đỏ.
Dù vậy, rào cản lớn nhất khiến Kiev đến nay chưa phát động tấn công là do lo ngại phản ứng từ Nga. Các nguồn tin quân sự Ukraine cảnh báo có thể chỉ mất chưa đầy một ngày để Nga đưa quân vào Donbass.
Binh sĩ Ukraine tập trận gần khu vực giao tranh với lực lượng ly khai ở Donbass hồi tháng 8-2019. Ảnh: AP
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng kịch bản Nga can thiệp quân sự, hỗ trợ lực lượng ly khai miền Đông Ukraine là hoàn toàn có thể xảy ra. Hôm 2-4, hãng tin TASS cho hay Moscow vừa chính thức bàn giao cho lực lượng ly khai Ukraine một lô lớn vũ khí hiện đại để tự vệ trước các cuộc tấn công có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Văn phòng Tổng thống Vladimir Putin cùng ngày cũng ra cảnh báo: “Bất kỳ động thái triển khai quân nào của NATO tới Ukraine sẽ chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng gần khu vực biên giới của Nga. Điều đó sẽ buộc chúng tôi phải triển khai thêm các biện pháp an ninh”.
Trên thực tế, CNN cho rằng Nga đã và đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại biên giới Ukraine trong những ngày qua với lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện video quay cảnh Nga di chuyển số lượng lớn xe tăng và các thiết bị khác tới những khu vực giáp biên giới với Ukraine. Phát ngôn viên tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov hồi ngày 1-4 từng cam kết việc tăng quân ở biên giới “không đặt ra mối đe dọa cho bất kỳ ai”, mà chỉ là việc Nga đang thực hiện quyền tự do triển khai binh sĩ trên khắp lãnh thổ của mình.
Phương Tây theo sát tình hình Donbass
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky sau đó lập tức lên tiếng bác bỏ lập luận của ông Peskov, nhấn mạnh hành vi quân sự của Nga gần biên giới thực chất “mang tính chất đe dọa tới an ninh Ukraine”. Người đứng đầu Kiev còn cho hay ông vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhận được lời đảm bảo từ Mỹ là Ukraine “sẽ không đơn độc”.
“Chúng tôi nhận được sự ủng hộ lâu dài và đầy đủ của các đối tác quốc tế, trong đó có châu Âu và Mỹ. Mới nhất, trong cuộc trò chuyện giữa tôi và Tổng thống Mỹ Joe Biden, chúng tôi đã thảo luận về tình hình cụ thể tại Donbass. Tổng thống Mỹ đảm bảo với tôi rằng Ukraine sẽ không bao giờ bị bỏ lại một mình trước sự gây hấn của Nga” - Reuters dẫn lời ông Zelensky nêu rõ.
Trước đó, từ ngày 31-3 đến 1-4, bốn quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, gồm Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley, cũng liên tục có các cuộc điện đàm với những đồng cấp Ukraine. Trong các đợt trao đổi này, phía Mỹ cũng khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với chủ quyền của Ukraine, cũng như “khát vọng” của Kiev về gia nhập mạng lưới liên minh châu Âu - Đại Tây Dương với Mỹ.
Về phía phương Tây, trong một tuyên bố chung ngày 3-4, Bộ Ngoại giao hai nước Đức và Pháp kêu gọi các bên xung đột tại Donbass giảm thiểu căng thẳng trong bối cảnh tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng.
“Pháp và Đức quan ngại về sự gia tăng các vi phạm lệnh ngừng bắn, sau khi tình hình đã ổn định kể từ tháng 7-2020 ở miền Đông Ukraine. Chúng tôi đang theo dõi tình hình với sự cảnh giác cao độ và kêu gọi các bên kiềm chế và giảm leo thang căng thẳng ngay lập tức” - tuyên bố khẳng định. Với tư cách là những bên tham gia hòa giải trong khuôn khổ hội nghị Normandy năm ngoái, Pháp và Đức vẫn đang tiếp tục nỗ lực hướng tới việc thực hiện đầy đủ nội dung thỏa thuận hòa bình Minsk-2 về Ukraine ký năm 2015.•
Ukraine bất ngờ trừng phạt hàng loạt thực thể Nga Hãng tin Sputnik dẫn nguồn trang mạng Ukrainskaya Pravda cho biết cơ quan này đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với văn phòng Cơ quan Liên bang phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập, người Nga ở nước ngoài và Hợp tác nhân đạo quốc tế (Rossotrudnichestvo) tại Kiev, trong đó có quy định cấm hoạt động.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt còn nhằm vào 57 doanh nghiệp Nga khác bị cáo buộc “có hoạt động mờ ám với công dân Ukraine”. Trước đó, Bộ trưởng Văn hóa Ukraine - ông Alexander Tkachenko cũng từng yêu cầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đánh giá về “ý đồ của cơ quan nhân đạo Nga” ở nước này.
“Văn phòng của Rossotrudnichestvo ở Ukraine và Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga thuộc cơ quan này ở Kiev dính líu đến hoạt động phát tán các tuyên bố và chiến dịch tuyên truyền của Nga trên toàn thế giới, dưới lớp vỏ hợp tác văn hóa và khoa học” - ông Tkachenko tuyên bố.