'Đốt đôla giả xả xui’ có phải là tội phạm?

Vấn đề đặt ra là nhiều bạn đọc còn thắc mắc:Vậy mua, giữ đôla âm phủ để đốt vàng mã thì có bị tội gì không? Hoặc giữ vài tờ đôla giả y như thật chỉ để làm kỷ niệm hay sưu tầm cho vui thì có bị tội gì không?

Trước hết, tiền giả nói chung và đôla giả nói riêng là tiền mà khi đem lưu hành thì nhìn bằng mắt thường hoặc không có kinh nghiệm phân biệt thì ai cũng tưởng là tiền thật. Việc xác định thật - giả này phải qua giám định. Do đó, chúng ta hoàn toàn không có gì phải lo ngại rằng tiền vàng mã, tiền âm phủ bị xem là tiền giả. Việc phân biệt cũng không có gì khó khăn vì tiền âm phủ thường có dòng chữ: Ngân hàng Địa phủ, Phán quan… và nhiều chi tiết hoàn toàn khác với tiền được làm giả y như thật.

Hiện nay, khi đời sống tâm linh đang được nhiều người quan tâm thì cũng có thể có người đốt đôla giả (giống tiền thật) để xả xui. Hoặc cũng có người giữ vài tờ đôla giả (giống tiền thật) để làm kỷ niệm hay sưu tầm cho vui. Vậy các trường hợp này có bị tội không?

Điều 180 BLHS không quy định tàng trữ tối thiểu bao nhiêu tiền giả thì phạm tội. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng chỉ hướng dẫn tàng trữ tiền giả trị giá tương ứng dưới 10 triệu đồng tiền Việt Nam thì áp dụng khoản 1, từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng áp dụng khoản 2…

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng thì không đơn giản, máy móc là cứ giữ một tờ tiền giả thì sẽ phạm tội. Bởi về lý luận, tội phạm bao giờ cũng là sự thống nhất giữa hành vi và ý thức chủ quan. Do đó, các cơ quan tố tụng thông thường chỉ xử lý hình sự hành vi tàng trữ tiền giả khi người có hành vi tàng trữ có mục đích đem tiền giả đó lưu hành. Điều này cũng có nghĩa nếu một người chỉ cất trong ví tiền của mình vài tờ đôla giả để làm kỷ niệm hoặc để so sánh với tiền thật khi cần thiết thì hành vi đó không phải là tội phạm. Tương tự, việc chỉ đốt tiền đôla giả để xả xui phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cá nhân cũng không phải là tội phạm.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm