ĐẠO DIỄN VỞ KỊCH TIỀN TỶ “XIN LỖI, EM CHỈ LÀ...”:

Đột phá chứ không chơi ngông

* PV: Theo dự kiến, từ ngày 12-3, “Xin lỗi, em chỉ là…” công diễn nhưng lại dời đến đầu tháng 4. Anh muốn tạo sự chú ý hay một số công đoạn dàn dựng chưa hoàn chỉnh?

* Đạo diễn HOÀNG VŨ: Nhận thấy các yếu tố về kỹ thuật, mảng miếng thể hiện trong dàn dựng chưa thật ưng ý nên tôi quyết định dời ngày công diễn để có thể làm tốt hơn. Lâu nay, đâu có công ty nào thực hiện ánh sáng cho kịch nói nên công đoạn này khá vất vả. Chưa kể, khi tập vở, chúng tôi không thể thuê Nhà hát Hòa Bình suốt 2 tháng nên phải dựng một sân khấu đúng kích thước như Nhà hát Hòa Bình tại trường quay ở Thanh Đa để tập luyện nên cũng mất khá nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, đây là vở kịch dựa trên một tác phẩm văn học, lời văn gần như chuẩn nên đòi hỏi diễn viên phải thuộc thoại chứ không thể nắm ý rồi có thể thêm bớt như một số tác phẩm khác.

Đột phá chứ không chơi ngông ảnh 1

Đạo diễn Hoàng Vũ (giữa) cùng diễn viên Ngân Khánh (trái) và Lan Phương trên sàn tập.

* Vở kịch được thực hiện trên một sân khấu lớn, khoảng cách giữa diễn viên với người xem rộng, liệu khán giả có thể cảm nhận được hết cảm xúc của diễn viên?

* Ở sân khấu lớn người xem không thể nhìn thẳng vào khuôn mặt mà nhìn vào hình thể của diễn viên. Việc xử lý âm thanh, ánh sáng, đặc biệt là giọng nói của diễn viên sẽ góp phần nâng cảm xúc của người xem lên. Trong vở diễn này, tôi kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như múa, xiếc, âm nhạc, điện ảnh… để đảm bảo khán giả có thể xem được.

* Tại sao anh lại chọn tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” để đầu tư dàn dựng với kinh phí lớn như vậy? Đây là cách đánh bóng thương hiệu công ty, tên tuổi đạo diễn Hoàng Vũ hay như nhiều người nói, anh đang chơi ngông?

* Tác phẩm này có lợi thế là được rất nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, tôi thấy tác phẩm này có thể đáp ứng được mục đích của công ty là hướng đến nhu cầu tiềm ẩn của số đông khán giả mong muốn được thưởng thức một cái gì đó (thuộc về giải trí) một cách nghiêm túc và hoành tráng nhưng chưa có nhà sản xuất nào dám mạnh dạn đầu tư.

Tôi quan niệm, cách cạnh tranh tốt nhất là làm cho các đối thủ không cạnh tranh nữa. Tất cả những điều tôi làm tuy có mạo hiểm nhưng đều được cân nhắc bài bản, khoa học và có tầm nhìn chiến lược. Tôi có cách làm riêng của tôi, với phân khúc thị trường hoàn toàn khác.

Tôi không chơi ngông mà chỉ muốn tạo nên một sự đột phá. Chưa kể, khi thực hiện tác phẩm này, tôi đã đặt hàng một công ty nghiên cứu, thăm dò khán giả. Chẳng hạn khán giả thích tác phẩm này kết thúc như thế nào, các nhân vật sẽ như thế nào, diễn viên nào khán giả muốn họ vào vai nào trong tác phẩm…

* Một vở diễn được đầu tư lớn, bán giá vé khá cao (cao nhất lên đến 1 triệu đồng/vé), anh có tự tin khán giả sẽ ủng hộ?

* Tôi nghĩ, với sự tập luyện miệt mài hàng tháng trời của diễn viên, rồi chi phí đầu tư cho vở diễn nhằm mang lại hiệu ứng tốt phục vụ khán giả thì giá vé như thế là chấp nhận được và tôi tin khán giả sẽ đón nhận. Đến nay, lượng vé bán được khá nhiều.

* Sau vở kịch này, liệu anh có tiếp tục đầu tư làm kịch?

* Theo kế hoạch, mỗi năm chúng tôi có thể sẽ đầu tư làm một vở.

Vở diễn có sự góp mặt của các diễn viên: NSƯT Việt Anh, Công Ninh, Tú Trinh, Thanh Hoàng, Hữu Nghĩa, Hoàng Sơn, Cát Tường, Quý Bình, Ngân Khánh, Lan Phương… Dự kiến, vở sẽ diễn phúc khảo lúc 9 giờ ngày 21-3 và công diễn vào tối 3-4 tại Nhà hát Hòa Bình.

Nếu không có gì thay đổi, trong ngày công diễn nữ tác giả Tào Đình sẽ có mặt. Sau những suất diễn ở TPHCM, vở sẽ được mang đi lưu diễn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng… và cả Mỹ. Sau đó sẽ dàn dựng lại cho phù hợp và diễn thường xuyên tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.

Theo ĐỖ HẠNH (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm