Bảy năm trước, thầy trò HLV Calisto đã làm cả Đông Nam Á phải ngả mũ chào bởi lối chơi quyết liệt nhưng thông minh của các nghệ sĩ đá bóng. Chính báo chí Đông Nam Á năm đấy đã giật tít “Việt Nam thắng Thái Lan trên đất Thái bằng lối đá thông minh!”.
Và đúng là thầy trò HLV Calisto năm đấy đã đưa người Thái đi từ ngỡ ngàng đến sững sờ. Thậm chí hai cầu thủ thấp nhất là Tấn Tài và Vũ Phong năm đấy vẫn buộc nhiều cầu thủ to cao và lực lưỡng của Thái Lan phải ngước nhìn khi họ thắng người Thái bằng cái đầu. Cái đầu của Tấn Tài trong pha tranh cướp giữa sân và cái đầu của Vũ Phong kết thúc làm ngỡ ngàng hàng thủ Thái. Và khi Thái Lan còn chưa kịp hoàn hồn thì cú dốc bóng của Việt Thắng như một mũi tên đánh bại cả hàng thủ Thái Lan và tiếp theo là đường chuyền như đặt để Công Vinh chỉ còn thực hiện công việc đặt dấu chấm trên đầu chữ i.
Chiến thắng của bảy năm trước mang đậm dấu ấn của lối chơi thông minh và những pha phối hợp hoàn hảo, giàu cảm xúc được hun đúc bởi tinh thần chiến đấu cao.
Thẻ vàng đầu tiên của Minh Châu khi vật ngã đối phương (ảnh nhỏ) và những cú tắc bóng tưởng làm chùn chân cầu thủ Thái nhưng không thể. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đêm 24-5, thầy trò HLV Toshiya Miura đã chủ động chọn lối chơi lực sĩ. Một hàng thủ toàn những hậu vệ cao xấp xỉ 1,8 m; một hàng tiền vệ toàn những cầu thủ khỏe chạy và khỏe tranh chấp. Chắc hẳn là ông Miura muốn dùng sức mạnh để ngăn sức tấn công từ sức trẻ và cả sự phối hợp nhịp nhàng của các cầu thủ Thái Lan.
Lối đá lực sĩ đấy đã tốn rất nhiều sức lực và tốn cả… thẻ phạt bởi những pha vào bóng từ phía sau (Trọng Hoàng) hoặc kéo người (Minh Châu) khi truy cản sức công phá của đối thủ. Thậm chí là cả thẻ phạt từ sự tranh cãi không cần thiết hay cầm bóng chạy khỏi vị trí phạt (Ngọc Hải)…
Từ lối đá lực sĩ, có lúc các học trò ông Miura sa vào lối đá nóng nảy và có những lúc đánh mất mình.
Trong khi ông Miura vẫn bình thản nhìn các học trò vào bóng rát thì bên kia khu kỹ thuật, HLV Kiatisak dù nôn nóng nhưng chắc chắn rất muốn điều đấy xảy ra bởi đội khách càng đá rát và càng phạm lỗi thì chủ nhà càng được lợi nếu vẫn giữ cái đầu lạnh.
Đá trên sân khách mà thiếu sự nhẫn nhịn (nhất là những tranh cãi không cần thiết với trọng tài) rõ ràng chỉ chuốc lấy những khó khăn. Và chiếc thẻ vàng thứ hai của Minh Châu là một minh chứng. Nếu lần đầu là pha vật người thì lần hai là cú kéo người từ phía sau (dù kín) nhưng rõ là trọng tài chỉ chờ có thế để rút ra chiếc thẻ đỏ.
Đêm 24-5, nếu may mắn không đứng về phía Việt Nam thì cách biệt tỉ số có thể sẽ là 2-3 bàn và hơn nữa. May vì thủ môn số 2 Tô Vĩnh Lợi trong một đêm xuất thần đã cản phá rất nhiều pha bóng hiểm. May vì các chân sút Thái Lan quá “củi” và quá cầu toàn, đặc biệt trong hiệp 1.
Bàn thua duy nhất của học trò HLV Miura rất giống với bàn thua mà chung kết SEA Games 1999 tại Brunei khi Thawatchai của Thái Lan hạ gục thủ môn Minh Quang chấm dứt chuỗi 491 phút không để thủng lưới của hàng phòng ngự thép. Một cú sút xa rất điệu nghệ chìm vào góc xa sau động tác gặt bóng bằng chân phải rồi kết thúc hiểm cú chỉnh thước ngắm và ra chân trái.
Một trận thua giúp thầy trò HLV Miura ngộ ra nhiều điều, trong đó có cả khái niệm về dùng những lực sĩ để chống lại các nghệ sĩ.